Cây đa có ma - Chương 5
Sau nửa ngày vật lộn trên chiếc xe dù chật chội, dừng đỗ đón trả khách không biết bao nhiêu lần, ông Hà mấy lần nôn thốc nôn tháo, say xe còn hơn say rượu. Lúc xuống xe bấy giờ trời cũng đã đổ về chiều muộn, ông Hà mệt đến bã người, đành tìm một chỗ trọ nghỉ tạm qua đêm. Dự định sáng ngày mai sẽ lên đường sớm, theo địa chỉ tìm gặp cụ Lân.
Bụng dạ vẫn nhộn nhạo, chẳng thể nuốt nổi bữa cơm tối, sau khi may mắn tìm được một căn phòng trống, ông Hà vứt balo, rồi nằm lăn ra giường mà ngủ, chẳng biết trời trăng gì nữa. Ngày xưa đi lính, đi bộ cả trăm cây số cũng không biết mệt. Thời gian kéo theo tuổi tác, khiến cho sức khỏe của ông suy giảm đi quá nhiều.
Trời vừa mới sáng, ông Hà đã lục tục trở dậy, trả tiền phòng rồi khoác balo rời đi. Dựa theo địa chỉ được ghi trên giấy, thì từ đây về đến nơi ở của cụ Lân còn mất một quãng đường khá xa, lại không có chuyến xe nào chạy đến đấy. Ông Hà buộc lòng phải bắt đến mấy cuốc xe ôm. Trông khuôn mặt ông Hà ngơ ngơ ngáo ngáo, thế nên bị mấy thằng xe ôm mất dạy nó lừa chạy lòng vòng, hết chỗ nọ đến chỗ kia. Thành ra ngồi trên xe đến mòn cả mông, ê ẩm xương chậu, tốn không ít tiền, ông Hà mới đến được nơi cần đến.
Bấy giờ, trời mới đổ về chiều, ánh hoàng hôn đỏ rực nhuộm màu cả con sông rộng, nước trong vắt, với bên bờ là lũy tre xanh ngắt, rì rào trong gió. Nhìn quanh một lượt, ông thấy có một căn nhà nhỏ nằm riêng biệt ở ven sông, cách chỗ ông đang đứng không xa, y như lời vị sư thầy đã nói.
Ông Hà đánh bạo lại gần, đẩy cổng bước vào khoảng sân rộng, cây cối xum xuê, ôm lấy căn nhà tranh mái ngói đơn sơ, nhưng cũng đầy đủ tiện nghi. Không khí nơi đây yên bình đến lạ, khiến cho ông cảm thấy khoan khoái, dễ chịu như đang ở chính nhà của mình, khi chưa có những chuyện ma quái xảy ra vậy.
Bất giác, có giọng nói từ trong vọng ra:
-Đã tìm đến đây rồi, sao còn chưa vào?
Ông Hà giật đến bắn mình, quay trở về với thực tại, ông hít một hơi thật sâu, rồi bước vào trong nhà. Trước mặt ông là một ông cụ râu tóc bạc trắng như cước, vầng trán cao rộng, ánh mắt quắc thước, tinh anh. Chỉ mới nhìn qua, cũng thấy ông cụ toát lên một dáng vẻ tiên phong đạo cốt.
Ông Hà cúi đầu:
-Chào cụ. Tôi tên là Hà, từ miền Trung lặn lội tìm đến đây. Mạn phép cụ cho tôi hỏi, cụ có phải là cụ Lân hay không?
Cụ Lân mỉm cười, gật đầu, chỉ tay xuống ghế, cụ rót một chén chè nóng đặt trước mặt ông Hà, rồi đáp:
-Ông ngồi xuống đi. Tôi là Lân đây. Chẳng hay, ông tìm đến tôi là có việc gì?
Nghe cụ Lân khẳng định vậy, ông Hà mới thấy nhẹ nhõm, cuối cùng thì ông cũng đã tìm được người cần tìm. Đoạn, ông Hà mới mở lời, bắt đầu kể lại cho cụ Lân nghe về những sự việc xảy ra ở làng suốt thời gian qua, mà ông cho rằng nhất định là có liên quan đến ma quỷ.
Cụ Lân nghe xong ngồi trầm ngâm hồi lâu, khiến cho ông Hà không khỏi lo lắng, sốt ruột, chỉ sợ ông cụ sẽ từ chối không nhận lời giúp đỡ, thì xem như chuyến đi này của ông thành ra công cốc:
-Cụ Lân, làng chúng tôi thật sự đang rất rối ren, không biết phải làm như nào. Mong cụ…
Đoạn cụ Lân mới nói:
-Hầy, cũng lâu lắm rồi tôi chưa có về đó. Không ngờ, lại có chuyện này xảy ra. Tôi biết ông đi ngày đường mệt mỏi, nhưng việc không thể chậm trễ, ta phải trở về đó ngay mới kịp…
Khỏi nói cũng biết, ông Hà mừng đến mức nào. Chỉ cần là cụ Lân nhận lời giúp đỡ, thì chút mệt mỏi này có đáng gì. Ông nắm lấy tay cụ Lân mà rơm rớm nước mắt:
-Cảm ơn cụ… cám ơn cụ. Nếu có thể qua được cái hạn này, dân làng tôi sẽ biết ơn cụ suốt đời.
Cụ Lân vốn không quen với những tiểu tiết lễ nghi. Đối với cụ, trừ ma diệt quỷ là trọng trách, sứ mạng cả đời của mình, cũng không muốn để người khác phải mang ơn huệ. Nhưng trước cảm xúc khó tả của ông Hà, cụ Lân cũng chỉ biết gật đầu miễn cưỡng.
Đoạn, cụ Lân xếp đồ đạc vào trong tay nải, rồi gọi điện cho ông Sơn trưởng thôn, nhờ ông ấy chở cả hai ra bến xe cho kịp giờ. Trời tối dần, lại thưa khách, chiếc xe khách băng băng chạy trên đường vắng, ông Hà lại có bài thuốc chống say xe mà cụ Lân cho, thành ra cũng thấy bớt mệt hơn rất nhiều. Hai tay đan vào với nhau, ông lo lắng, không biết giờ này tình hình ở nhà như nào rồi. Là bình yên, hay sóng gió?
Trở về với ngôi làng của ông Hà, kể từ lúc ông Linh phó thôn phát loa thông báo, đêm xuống già trẻ lớn bé phải ở yên trong nhà, đến giờ cũng bắt đầu sang đêm thứ hai. Người lớn thì vốn đã quen việc lê la sang nhà hàng xóm, chè thuốc, cà kê nói chuyện phiếm, nay chỉ được quanh quẩn trong nhà, ngồi ôm cái ti vi, cầm điện thoại đọc báo mãi cũng chán.