Cánh tay thứ ba - Chương 2
Chương 2. Ăn mày chữa bệnh
Ông Nam tuân lệnh, cứ như vậy mà tiến thẳng vào hành cung thái hậu bắt mạch, xem bệnh. Kể cũng lạ, bệnh dịch nguy hiểm là vậy, ai ai vào ra cung thái hậu đều phải đeo mạng che mặt. Thế nhưng ông Nam chẳng mảy may đưa tay không ra bắt mạch. Sau khi chuẩn bệnh xong thì không nói với ai, một mạch đi thẳng tới phòng thuốc nhốt mình ở trong đó. Ông Nam khóa trái cửa ở trong, hoàng thượng thấy vậy cũng ra lệnh, không ai được tới gần phòng thuốc đó để tránh làm phiền thần y làm việc.
Đồ ăn, nước uống được người hầu đưa tới rồi đặt ở dưới cửa. Chỗ đó có một cái cửa nhỏ hình chữ nhật có thể đưa tay ra lấy đồ ăn vào. Cứ đều đặn đến giờ, ông sẽ đưa một bát thuốc cho cung nhân đem tới cung của thái hậu.
Dịch bệnh khó chữa là thế, vậy mà chưa đầy ba ngày, ông Nam đã chữa khỏi cho thái hậu. Long nhan mừng rỡ, ban thưởng cho ông rất nhiều vàng bạc. Đồng thời chuẩn tấu, cho ông được phép thu tiền chữa bệnh của người dân.
Mọi thứ đạt được như ý nguyện, chiếu chỉ đã trong tay. Bấy giờ gã mới lộ rõ bộ mặt thật của mình, một con quỷ tham lam, độc ác.
Lấy cớ để tiện chữa bệnh chó dân chúng, hắn xin ra khỏi cung điện. Mua lại một dịch trạm để tiện thăm khám cho người dân. Nhưng nào ai có ngờ, hắn treo giá rất cao để chữa bệnh. Những ai có tiền thì hắn ta chữa bệnh rất nhiệt tình, càng có nhiều tiền thì lại càng nhiệt tình. Còn ai không có tiền, thì sai gia đinh đánh đuổi không thương tiếc.
Ngày đầu mới mở, hằng ngày đều có rất nhiều người đến gõ cửa để chữa bệnh thì bị hắn hét giá vào mặt:
– Trăm lượng tiền bạc, không có tiền thì không có thuốc.
Người dân cầu xin van nài, thậm chí đem cả người bệnh đến đặt trước cửa cầu xin.
– Con lạy ông, con van ông, ông chữa bệnh giúp cha con. Con làm trâu làm ngựa trả lại cho ông.
Hắn đi ra, người phụ nữ đó nhào lên ôm lấy chân hắn. Hắn hất chân đá văng người phụ nữ lăn xuống bậc tam cấp. Tiện chân đá mạnh người bệnh một cái. Mặc cho tiếng kêu gào khàn giọng của người đàn bà rách rưới khốn khổ, lòng hắn chẳng chút mảy may lay chuyển. Biển giá bên ngoài đã treo, hắn sẽ không bao giờ chữa bệnh cho ai không công.
Hôm khác đang đêm, trời mưa như trút nước. Một nhà giàu có người thân trở bệnh nặng nên đi đưa người bệnh đi vội ngay trong đêm. Gia nhân đập cửa rầm rầm vang đến tận mấy nhà còn nghe.
– Ông Nam ơi! Ông Nam ơi!
Nhưng tên thầy thuốc bên trong vẫn làm như chưa có chuyện gì xảy ra. Mãi một lúc lâu người hầu gọi khàn cả cổ, hắn mới mở cửa ngái ngủ bước ra ngoài, giọng khó chịu hỏi:
– Làm gì mà đêm hôm gõ cửa rầm rầm thế.
Người hầu cúi người vội thưa.
– Bẩm ông, bà con bị bệnh nên cần ông xem gấp. Tiền sẽ hậu tạ đầy đủ.
Ông Nam ngáp dài liếc chiếc xe ngựa ngoài kia. Sau đó cố ý ra giá cao để đuổi người đó về.
– Thế năm trăm lượng bạc có chữa không?
Người hầu nghe xong thì xanh mặt quay lại bẩm báo với chủ. Vị chủ nhân gặp cảnh người nhà đang yếu đành phải cắn răng chịu đựng đồng ý.
Ông Nam thấy gia chủ tiền cao cũng chịu, liền đổi ý ngã giá.
– Năm trăm lượng bạc ta không chửa nữa, tám trăm lượng ta mới chữa.
Thương gia trong xe dù biết là quá đáng nhưng vẫn không biết làm được gì. Bệnh dịch thì chưa giảm, chỉ sợ nguy hiểm đến tính mạng người nhà, cũng đành phải gật đầu đồng ý lần nữa.
Thấy bộ không đuổi được người ta đi, nghĩ lại tiền công cũng cao. Ông Nam mở cửa cho người đó đánh xe ngựa vào trong.
Hắn ỷ hắn cao minh nên càng ngày càng phách lối, kiêu căng. Nhưng chẳng ai dám làm gì vì đến nhà vua còn phải nể.
Tiếng khóc oán than vang lên khắp nơi. Có rất nhiều tấu chương được chuyển đến tay Hoàng đế. Ngày ngày đều có người cáo trạng. Ngài càng hối hận về việc đã ban chiếu chỉ nhưng chiếu chỉ đã ban ra không thể nào thay đổi được. Giờ đây có hối hận thì cũng đã muộn.
Tình hình dịch bệnh vừa được kiểm soát không lâu, đại dịch cũng vừa giảm đi đôi chút. Nay dân chúng lầm than bắt đầu tức giận bạo động. Tình trạng hỗn loạn lại diễn ra ở khắp nơi. Đứng trước tình hình đó, để xoa dịu lòng dân, hoàng đế ban chiếu lệnh cho gã lấy giá thấp lại, để dân chúng có thể chữa bệnh. Nhưng ở đời, kẻ tham thì lại hay khôn lanh lắm kế nhiều mưu. Một mặt gã tuân theo lệnh vua, chữa bệnh cho người dân, mặt khác gã ép họ viết giấy nợ và dọa nạt cấm tuyệt chuyện cáo trạng với quan trên. Nếu dám hé nửa lời, gã liền sai người đánh chết cả nhà họ.
Dân đen chỉ có thể trơ mắt chịu trận. Tuy vậy, dịch bệnh cũng giảm xuống đáng kể. Khi đã đẩy lùi được dịch bệnh, người ra đường đã bắt đầu đông lại. Gã bắt đầu tìm đến từng nhà để siết nợ.
Người dân vừa trải qua đại dịch khổ cực vô cùng. Người bệnh thì nhiều mà người khỏe thì ít, trong nhà còn thiếu ăn thiếu mặc, không ai đi làm kiếm tiền thì có tiền đâu mà trả cho gã. Đã vậy gã còn tính lãi chồng lên nhau. Thành ra đã người dân nghèo lại càng thêm nghèo, có hết bệnh thì cũng như bằng lúc sống dở chết dở trong cơn bệnh. Cũng vì vậy mà nhiều người mất hết tài sản lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, phải đi làm thuê cho gã.
…
Ở làng Ngũ Xá nọ, có gia đình ông Bình. Nhà có ba người thì hết hai người đã từng phải tìm đến gã thầy lang thất đức kia để chữa trị. Vì vậy khoản nợ của họ lớn đến độ, có bạt mạng làm ngày làm đêm mấy năm liền, cũng trả không hết số nợ. Ngày ngày gia đình ông Bình sống trong lo sợ, sợ rằng một ngày nào đó gã thầy lang ấy xuất hiện để đòi nợ mình.
Cơ mà người ta hay nói: Càng lo sợ điều gì, thì điều đó lại nhanh chóng trở thành sự thật.
Một ngày nọ, ông Bình đang ăn cơm trong nhà thì nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài. Nhìn ra thì thấy, một toán người đi đầu là gã thầy lang hùng hổ tiến tới gần nhà họ. Bọn chúng đi qua nhà nhà nào, thì nhà đó vang lên tiếng khóc, tiếng cầu xin, rồi cả tiếng chửi bới và đánh đập. Từ đầu làng cho tới nhà ông, đâu đâu cũng là tiếng kêu gào, nghe mà thấy xót xa.
Những âm thanh ấy lọt vào tai ông Bình, ông run rẩy sợ hãi, rồi bọn chúng cũng sẽ đến gia đình ông thôi. Cái nhà vốn dĩ đã nghèo nhất làng. Tài sản cũng không có gì giá trị ngoài miếng đất, kế bên là mảnh ruộng nhỏ của tổ tiên để lại cùng với con trâu già. Nếu mất chúng, gia đình ông không biết sống bằng gì.
Đang suy tư, thì có một tiếng gọi khiến ông giật mình.
– Ông Bình có ở nhà không đấy?