BÍ ẨN LỜI NGUYỀN GIA TỘC - Chương 1
– Linh, Linh…
Linh ngoái đầu nhìn lại thì hắn nhận ra Trường đang chìm nghỉm trong đám đông sinh viên hướng ánh mắt về phía mình. Hắn đứng lại và chờ đợi. Một lúc sau Trường cũng tiến lại gần.
– Ủa tao nhớ mày học 4 chỉ mà, mày lại chuồn đấy hả? Trường lên tiếng.
– Điểm danh xong rồi thì về chứ ngồi lại làm gì mày, tao hiểu cái quái gì đâu ngồi. Linh thủng thẳng đáp.
– Sao, tối nay sao mày? Lên kế hoạch gì chưa?
– Có chứ. Ở nhà thổi nến với bà già. Linh thở dài.
– Vãi… Mày đùa tao à? Tự nhiên mày bẻ cua khét thế. Còn tụi tao thì sao đây?
Trường ngơ ngác.
– Thì ai mà biết, mấy nay bà bô khó ở, soi xét tao từng tý làm tao muốn nghẹt thở đây. Thôi, tao dời lại với tụi mày hôm sau. Tao trông bà nghiêm túc lắm, không chống đối bà lúc này được.
Trường nhìn vào gương mặt nghiêm túc của thằng bạn, hắn biết là không thể khiến Linh lung lay ý chí của mình được. Chơi với nhau mười mấy năm tính của Linh chỉ có hắn là hiểu rõ nhất. Ngẫm nghĩ một lúc Trường đáp.
– Ok bạn, vậy để tao nói lại với tụi nó. Còn tao có qua được không?
– Mày hỏi câu thừa, nhớ đúng 7h đấy. Thôi tao về đây, hôm nay ăn chay tập làm con ngoan trò giỏi một bữa vậy.
Trường nhếch mép nhìn hắn một cách đáo để.
Linh lượn trên con mô tô phân khối lớn dừng lại trước cổng một căn biệt thự đồ sộ, mọc sừng sững giữa một khu đồi vắng vẻ. Hắn định bóp còi kêu cửa thì bỗng nhiên hắn đưa ánh mắt hiếu kỳ hướng về phía bà lão ăn xin ngồi bên cạnh cửa nhà hắn. Bà lão có dáng vẻ rất đáng sợ, ngoài cái áo rách tả tơi và cái nón cũng toang không kém thì điểm xuyết thêm nó là gương mặt nhăn nheo với những nếp nhăn chằng chịt. Nhưng điểm mà Linh thấy ghê hơn cả là khắp cơ thể bà lão nổi lên nhiều u thịt to nhỏ khác nhau trông cực kì ám ảnh.
– Cái quái gì đây? Sao bà già này lại lên được tới đây nhỉ?
Linh nghĩ thầm rồi hắn cất tiếng.
– Ai đấy?
– Chào cậu. Bà ta đứng hẳn lên và từ từ tiến lại phía Linh.
– Bà muốn gì? Biến đi, đừng có ngồi trước nhà người khác như vậy chứ.
– Già chỉ muốn xin cậu chén cơm, già đói quá.
– Bà bị thần kinh à? Muốn xin ăn thì về phố chứ. Mà sao bà lên được tận đây vậy? Bà, bà đi bộ lên sao?
Bà lão không trả lời mà chỉ ngước ánh mắt lên nhìn Linh với một nụ cười bí ẩn. Nhìn sâu vào ánh mắt ấy khiến Linh có chút giật mình, Linh rút ví ra và đưa cho bà ta 50 nghìn. Bà lão lắc lắc cái đầu.
– Già chỉ muốn xin một chén cơm mà thôi.
– Thì đây, cơm đấy.
Bà không nói gì mà chỉ mỉm cười và lắc đầu.
– Thôi biến đi, lằng nhằng, muốn xin cơm thì đi chỗ khác, ở đây không có đâu. Bà biến đi, lát tôi ra mà vẫn thấy bà ngồi trước nhà tôi là thả chó ra đấy.
Linh ném 50 nghìn xuống đất và bấm còi inh ỏi. Lát sau cô giúp việc đi ra.
– Cậu đợi con một xíu, con đến ngay đây. Cô giúp việc nhanh nhẩu tiến lại mở cửa.
Hắn không nói gì cứ thế chạy xe một mạch vào bên trong. Cô giúp việc khóa cổng lại còn ánh mắt ngơ ngác nhìn quanh tìm ai đó mà không thấy. Cô ta lẩm bẩm.
– Lạ nhỉ? Rõ ràng mình nghe cậu ấy nói chuyện với ai đó mà nhỉ?
Nghĩ là thế nhưng rồi cô ta cũng đóng cửa và bước nhanh vào trong.
Linh vừa đặt mình xuống ghế sofa thì phía trên lầu có tiếng bước chân đi xuống.
– Về rồi hả con? Lên chào nội đi, từ sáng đến giờ bà ngóng con mãi.
Linh nhăn mặt khó chịu.
– Có chuyện gì không mẹ?
Bà Xuân lo lắng nhìn con trai, ánh mắt bà hiện rõ sự mệt mỏi cứ như thể đêm qua bà ta thức trắng vậy.
– Thôi nào con, đi đi, hôm nay mẹ nói gì con cũng không được cãi, cứ việc làm theo.
– Có chuyện gì mẹ cứ nói toẹt ra đi, suốt từ hôm qua đến giờ mọi người trong cái nhà này cứ là lạ sao ấy. Mẹ nói đi, có phải con sẽ chết giống bố con không? Con không có sợ mấy thứ nhảm nhí ấy đâu, thời đại nào rồi mẹ cứ lo sợ vớ va vớ vẫn.
Lời Linh nói khiến bà Xuân giật mình, bởi bố của Linh, ông Tùng cũng đã ra đi lúc ông ta vừa tròn 40 tuổi. Ông ta được chẩn đoán bị tâm thần và tự kết liễu cuộc đời mình. Đó là thông tin duy nhất bà Xuân nói cho Linh. Đâu có ai ngờ rằng đằng sau cái chết của ông Tùng là một câu chuyện rùng rợn mà có lẽ cho đến lúc chết đi bà Xuân cũng không bao giờ tiết lộ nó cho hắn. Đã từng có lúc Linh đến rất gần với sự thật câu chuyện từ một người ở trong gia đình mình, nhưng chỉ qua ngày hôm sau bà ta cũng đã biến mất không dấu vết. Kể từ đó đến nay, chẳng còn ai nhắc về nó nữa, thậm chí, người làm trong gia đình bà Xuân năm đó cũng đã được thay mới hoàn toàn chỉ giữ lại mỗi cô quản gia lâu năm. Nghĩa là chỉ còn bà Xuân và mẹ chồng của bà ta là biết về nó. Vậy mà bây giờ ngay lúc này đây, đứa con của bà lại thốt ra những lời như thể nó biết điều gì đó về câu chuyện.
Bà Xuân trấn tĩnh lại, nhẹ nhàng an ủi thằng con trai.
– Con nói cái gì vậy? Không có chuyện đó đâu. Thôi đi lên đi con, bà đang đợi. Nhanh nào, ngoan…
Linh không đáp lời mà khó chịu nhấc mông khỏi cái ghế và đi lên cầu thang. Căn biệt thự nhà Linh khá lớn, nó được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có ba tầng, do được trùng tu khá nhiều lần nên trông căn biệt thự vẫn còn rất đẹp, vừa có nét cổ kính của kiến trúc xưa nhưng đồng thời cũng mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Tầng ba được giành hoàn toàn cho việc thờ cúng gia tiên cũng như là nơi thờ tự Phật pháp của bà nội Linh. Bà nội năm nay đã ngoài 90 nhưng nom vẫn khỏe lắm, có lẽ do bà chỉ ăn chay trong suốt đời mình nên vẫn giữ được sức khỏe bền bỉ cùng thời gian. Bà siêng lắm, bất kể ngày đêm trong nhà Linh luôn là những tiếng gõ mõ tụng kinh của bà cụ, âm thanh ấy quen thuộc đến mức hôm nào không nghe thì mọi người lại thấy như thiếu thiếu đi thứ gì đó. Hôm nay cũng thế, Linh vừa bước vào cửa đã thấy bà cụ đang lần hạt, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm tụng kinh.
Linh tiến lại thắp nén nhang lên bàn thờ, cúi lạy rồi đi ra.
– Mày về rồi đấy à?
Bà chậm rãi bước vào phòng của mình. Linh dìu bà ngồi xuống.
– Bà nội giữ sức khỏe đấy nhé, hôm nào thấy mệt thì chỉ nằm nghỉ thôi. Bà lớn rồi không thể ngồi mãi vậy đâu, Đức Phật không trách gì đâu mà sợ.
– Thằng cha mày đừng có lên mặt dạy tao. Bà mỉm cười nắm lấy tay thằng cháu nội mà xoa xoa.
– Bà gặp con có chuyện gì không ạ. Linh mỉm cười.
– Không, tao nhớ mày nên muốn gặp mày thôi. Sao? Hôm nay mày có phá phách gì không đấy?
– Dạ không thưa bà. Cháu của bà lúc nào chả ngoan. Bà đừng lo.
– Cha mày, nghe bà dặn, hôm nay mày không có được đi đâu hết, không được ra ngoài, nhớ chưa?
– Vâng, con nhớ rồi, hôm nay con sẽ đón sinh nhật cùng bà, không có đi đâu cả. Linh tươi cười nắm chặt tay bà.
– Thôi xuống tắm đi con, bà thương.
– Dạ vậy con xin phép, bà nghỉ ngơi đi.
– Ừ tao biết rồi.
Linh đứng lên và quay đầu đi xuống. Bà cụ nhìn theo, bất chợt trong khóe mắt sâu hoắm của cụ giọt nước mắt bỗng rơi xuống. Bà lẩm bẩm, môi bà cụ run lên vì sợ.
– Tao xin mày, tha cho nó, gia đình tao đã trả nghiệp đủ rồi. Xin mày đấy. Thằng bé ngoan ngoãn, hiền lành, nó không có tội.
Bất chợt có tiếng nói âm u từ trong căn phòng thoát ra, nó ma mị và cực kì chậm rãi.
– Bà đừng có chết đấyyy!!! Còn nhiều trò vui lắm!!!
– Tại sao chứ? Sao mày ác quá vậy? Chừng nào mày mới dừng lại hả?
Lời bà cụ đã không được đáp lại, bà sợ hãi nhìn quanh, không gian căn phòng im ắng đến lạ, ánh nắng vẫn chiếu tỏa bên ngoài lan can. Dù vậy, căn phòng của bà vẫn toát ra vẻ lạnh lẽo, nó lạnh buốt đến tận tim gan của bà, khi bà biết rằng, chỉ sau hôm nay thôi, đứa cháu trai của bà, sẽ đón nhận những điều khủng khiếp nhất mà không một người bình thường nào có thể trải qua. Cũng giống như những đứa con khác của dòng họ. Những cái chết được dự báo trước mà không có cách nào ngăn lại.
Ở một nơi khác, tại một công trường xây dựng, lúc này ông Lâm đang xúc từng xẻng xi măng đổ vào đống cát, bên cạnh ông là một hai người đàn ông khác đang trộn hồ cùng mình. Đang hì với công việc thì một người đàn ông lên tiếng.
– Ông Lâm, con Duyên đến kìa, thôi ông nghỉ tay đi, ở đây để bọn tôi.
Ông Lâm ngẫng đầu lên, phía trước con đường, con gái ông, Duyên đang tiến lại, trên tay con bé là một cà mèn inox. Ông nở một nụ cười, mồ hôi còn lăn dài trên má.
– Ông may mắn ghê, có cô con gái vừa đẹp người đẹp nết, tôi mà có đứa như thế á, có làm vất vả hơn tôi cũng chịu. Một đồng nghiệp khác lên tiếng.
– Đúng ông nhỉ? Ông Lâm cười đáp lời.
– Thôi đi đi, cứ để đó cho bọn tôi… Một người khác lại nói.
– Vậy tôi ra đó nhé, lát tôi phụ cho hai người nghỉ ngơi.
Nói rồi ông đứng lên và đi về phía con gái.
– Cơm này bố, bố mệt lắm không. Duyên lên tiếng.
– Không, không sao… Mà nắng nôi thế này mày ra đây làm gì? Lại còn đi bộ nữa chứ. Xe đâu.
– Xe con đang sửa chắc còn lâu mới lấy được, nó cũ quá rồi, thôi bố ăn đi.
Nói đoạn Duyên giở cà mèn đựng cơm ra.
– Chiều có học không bố chở đi. Ông vừa ăn vừa nói.
– Dạ có, bố cứ nghỉ trưa đi rồi chiều còn làm. Con lo được, con lớn rồi mà.
– Ấy chết, tí bố quên mất. Nay sinh nhật mày, chúc con gái của bố sinh nhật vui vẻ. Ông lúng túng.
Thấy thế Duyên cười.
– Con cảm ơn bố. Gớm, sinh nhật gì chứ, con không quan tâm mấy đâu. Bố không được mua quà cho con đâu đấy.
– Cái con bé này… Bố xin lỗi…
– Thôi mà bố, sao tự nhiên… Con không có sao? Con nợ bố mới đúng chứ, bố lo cho con tới giờ còn gì? Bố đừng có áy náy nữa, thiệt chán bố ghê… Duyên mỉm cười nắm lấy tay ông.
Duyên năm nay 20 tuổi, cô là con gái ông Lâm. Hai cha con sống tại một phòng trọ cũ ở gần công trình mà bố cô đang làm phụ hồ. Họ nương tựa vào nhau đã gần 20 năm qua, Duyên lớn lên mà chưa từng thấy mặt của mẹ hay họ hàng gì đó của mình. Cả thế giới của cô chỉ thu nhỏ lại quanh người bố này. Họ yêu thương nhau lắm, cả hai cứ thế dựa vào nhau mà sống cho qua ngày đoạn tháng. Chỉ nhoáng một cái mà cô đã trở thành sinh viên đại học, điều mà thuở bé cô không dám nghỉ đến. Thế mới thấy được sự phi thường của người cha ấy nó vĩ đại đến như thế nào.
– Thôi con về đi, trưa rồi đấy…
Duyên thu dọn đồ vào cái cà mèn của mình.
– Bố đừng có cố quá, mấy nữa con đi làm thêm rồi, bố không phải tăng ca đâu.
– Mày lo học đi, thêm thiếc cái gì. Ông vừa xĩa răng vừa nói.
– Con lo được mà, với lại sinh viên ai chả phải vậy hả bố, vừa làm vừa học, vừa có thu nhập lại thêm kinh nghiệm sống.
– Nói mày rất hay cãi đấy nhé, bộ mày sợ bố không lo được cho mày hay sao?
– Trời ạ, không phải thế, bố này, vậy bố nghỉ đi, con về đây…
Nói xong cô lật đật đi khỏi chỗ ấy nếu không sẽ xãy ra mâu thuẫn mất. Cái mâu thuẫn ấy nó lạ lắm, lúc nào cũng vậy. Họ chỉ thực sự mất kết nối khi lo nghĩ quá nhiều cho đối phương mà thôi. Đang đi thì bỗng cô giật mình, phía bên vệ đường, một bà lão ăn xin, đầu đội nón rách tả tơi, bà cụ khắp người nổi đầy những u thịt to nhỏ khác nhau. Bà ta vẫn bắt đầu bằng câu nói quen thuộc:
– Già đói lắm, xin cô cho già miếng cơm.
Sau một hồi lấy lại vía, cô nhanh nhẩu mở nắp cà mèn của mình ra. May quá, vẫn còn một ít cơm sót lại.
– Dạ, cháu xin lỗi, nhưng mà tại lúc nãy bố cháu đã ăn dở trước rồi. Nó vẫn còn nhưng mà chỉ toàn đồ thừa mà thôi. Có sao không bà? Hay bà về nhà cháu, cháu lấy cơm cho.
– Già không sao, có ăn là tốt rồi, cảm ơn cháu. Bà cụ mỉm cười.
Nghe thế Duyên ngồi xuống cạnh cụ bà, ánh mắt Duyên có chút sợ hãi vì cơ thể kì dị của bà ta, nhưng rồi cô lại thấy thương xót cho bà, ánh mắt Duyên đỏ hoe vì thương cảm. Thế rồi cô quay đi và cô lại bày ra từng khay thức ăn trước mặt bà cụ. Duyên ngượng ngùng vì mọi thứ có vẻ nó hơi dở dang.
– Có, có sao không cụ?
Bà cụ mỉm cười và bốc lấy bốc để thức ăn, chỉ một loáng, mọi thứ đã sạch veo. Duyên đưa nước cho bà. Bà cụ tu một hơi uống cạn.
– Cảm ơn cháu, cháu là người tốt…
Bà cụ đứng lên và quay đi, Duyên nhìn theo bóng lưng bà ta chốc lát cô nhặt lấy cái cà mèn rồi bước đi. Đi được một đoạn thì cô nhận ra, cái cà mèn của cô rất lạnh như thể đựng đá bên trong vậy. Sự tò mò khiến cô dừng bước và mở nó ra xem. Bên trong đó là một viên bi kỳ lạ.
– Bà ơi… Duyên gọi với theo.
Bà cụ đã đi khá xa nhưng vẫn cất tiếng, tiếng nói của cụ lạ lắm, nó cứ vang vọng, Duyên nghe mà cảm giác có một chút ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
– Tặng cho cháu đấy. Chúc mừng sinh nhật cháu.
Từ sợ hãi bỗng chuyển qua ngạc nhiên, Duyên lẩm bẩm.
– Sao bà ấy biết sinh nhật mình nhỉ? Kì lạ thật.
Nghĩ thế nhưng mà cô vẫn cầm viên bi lên xem, dưới ánh nắng mặt trời, nó lấp lánh lắm. Duyên đưa mắt nhìn vào bên trong, cô giật thót mình, viên bi rơi xuống đất. Kì lạ thật, rõ ràng là chỉ vừa lúc nãy thôi, từ trong viên bi đó, rõ ràng Duyên thấy nó là một con mắt người. Duyên khẽ dụi dụi mắt rồi cô nhìn lại một lần nữa, lúc này nó vẫn chỉ là một viên bi bình thường của bọn trẻ con 9x hay chơi. Cô tự trấn an mình, có lẽ cô nhìn nhầm, cô lại ngước mắt tìm kiếm bà cụ một lần nữa thì đã không còn thấy bà ta đâu. Chỉ là một bà lão nhưng đến và đi thoáng qua như cơn gió, thật lạ lùng..
Buổi tối hôm đó, tại nhà Linh…
– Chúc con trai của mẹ sinh nhật vui vẻ, lớn rồi phải chăm ngoan học giỏi, còn phải gánh vác công việc cho mẹ trong tương lai đấy nhé…! Còn đây là quà của mẹ.
Nói xong bà Xuân đưa cho Linh một hộp quà bé xíu.
– Con cám ơn mẹ. Linh nhận lấy nó rồi quay sang nội.
– Quà con đâu bà?
Linh lên tiếng khi thấy gương mặt bà cụ buồn thiu, cũng chẳng hào hứng như nhiều cái sinh nhật trước đó của hắn. Linh phải gọi “Bà” đến lần thứ ba thì bà cụ mới nghe thấy.
– Cha mày, tao nghe rồi. Nói xong, bà lúi húi móc gì đó trong cái túi áo của mình. Loay hoay một lúc, bà lấy ra một túi vải hình thoi màu vàng, trên đó có những kí tự ngoằn nghèo rất khó hiểu, nó được gắn trong một cái sợi chỉ đỏ to hơn bình thường.
– Chúc cháu trai của nội luôn mạnh khỏe, bình an vô sự. Đây, tao cho mày, đây là bùa bình an. Đeo vào đi cháu.
Linh khá ngại ngùng khi nhận lấy tấm lá bùa đó, hắn đưa mắt nhìn quanh mọi người. Bữa tiệc hôm nay không chỉ có Linh, bà Xuân, nội của hắn mà còn có Trường, bạn thân của hắn, mẹ của Trường là bà Loan, quản gia nhà hắn. Nhưng người được chú ý hơn cả là ông Phát, chú của hắn. Ông Phát là con nuôi của bà nội hắn, sau khi bố Linh mất, ông ta đang tạm nắm quyền điều hành công ty của gia đình. Và dĩ nhiên một mai nào đó khi Linh đủ lớn, ông ta sẽ phải giao lại mọi thứ cho Linh như di chúc mà bố Linh đã soạn trước đó. Mọi quyết định hiện tại vẫn là nội của Linh, tuy đã cao tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, nếu có ai đó có thể ngăn ông Phát chiếm đoạt tài sản gia đình này thì đó chính là bà cụ. “Khác máu thì tanh lòng” mà, dù cho ông ta có làm tốt bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào chiếm được lòng tin của bà cụ. Dòng dõi nó vẫn là thứ gì đó duy tâm lắm, vết gợn ấy sẽ chẳng bao giờ xóa nhòa khoảng cách giữa ông ta và dòng họ. Thật lòng mà nói, ông Phát thừa sức cướp lấy mọi thứ, bởi đơn giản chính ông ta mới đang là lao động chính của cái gia đình này, ông ta hô mưa gọi gió kiểu gì chả được ai mà dám cãi. Thế mà từ sau khi biết được bí mật của gia tộc, rằng chẳng một đứa con nào của họ có thể sống xót qua tuổi hai mươi khiến ông không cần phải làm thế. Nói cho chính xác thì là tuổi thọ của họ sẽ giảm đi 20 năm sau một thế hệ. Ông nội Linh mất năm 60 tuổi, bố Linh mất khi vừa tròn 40, và khả năng cao thì Linh cũng chịu cảnh tương tự vào đúng tuổi 20, tức là sau thời khắc đêm nay. Ba đời nhà Linh đã như thế. Và ba đời họ đều chỉ có một đứa con trai.
Quay trở lại với ông Phát, nói gì đi nữa, ông cũng chịu ơn cái gia đình này quá còn gì. Nếu không có họ thì ông làm gì có mọi thứ hôm nay. Ông ta muốn nhưng phải “nhịn”. Cái “nhịn” ấy cho ông ta nhiều thứ, không phải rơi cái mặt nạ quân tử mà ông đang mang trên người, ai có dã tâm mà lại muốn phơi bày chúng ra cơ chứ. Ông cứ đợi thôi, kiểu gì thằng con này của cụ chả ra đi, chỉ nay mai thôi, qua cái sinh nhật hôm nay thì nó đã rất, rất gần rồi.
Nghĩ thế, ông ta cười nhếch mép, rồi chêm vào câu chuyện.
– Mẹ tốt với nó ghê, con chả bao giờ được mẹ tặng quà lớn như vậy cả. Đeo vào đi cháu. À còn đây là của chú, sinh nhật vui vẻ nha cháu. Học cho tốt vào còn về phụ chú, làm một mình chú mày hơi cô đơn.
– Cảm ơn chú… Linh nhận lấy hộp quà rồi đặt nó vào một đống hộp quà bên cạnh.
Bữa tiệc cứ thế diễn ra trong yên bình, ấm cúng. Trên khuôn mặt ai nấy đều tỏ ra vui vẻ, nhưng ngoài Trường ra, trong thâm tâm ai nấy đều hiểu rõ. Rồi giông tố sẽ ập đến giống như cái cách nó đã cuốn đi biết bao nhiêu mạng của dòng họ. Cơ mà lúc này họ phải cất kỹ nó đi, bởi lo lắng không phải là cách để giải quyết mọi chuyện. Ai nấy cũng hi vọng rằng, lời nguyền ấy sẽ có điểm dừng và biết đâu may mắn sẽ đến, ít ra là đến tận lúc này, mọi thứ vẫn bình yên.
Trường và Linh kéo nhau ra lan can tầng hai tâm sự sau bữa tiệc. Linh kéo một hơi từ chai vape to bản, hắn nhả khói vào không khí một cách đê mê, mắt nhắm nghiền. Rồi hắn đưa cho Trường nhưng anh lắc đầu.
– Tao bỏ rồi. Trường nói.
– Mẹ mày, riết như đàn bà, chán mày ghê.
Linh cười nhìn hắn.
– Bà bô cấm rồi, mà nó chả hay ho gì. Hôi thấy mẹ.
– Mày ghê, đừng có cái kiểu chê nho xanh như thế nha chú.
Trường cười híp mắt rồi anh đứng hẳn lên.
– Thôi khuya rồi, tao phải về.
– Không ở lại với mẹ mày à? Khuya rồi, về làm gì nữa.
– Tao ghé quán chút xíu, mà mẹ mày chứ, quán hai thằng bắt tao trông suốt, ông chủ như cái quần. Trường chửi hắn.
– Tao cho mày luôn đấy, gớm là đời. Tao chỉ dựng nó lên lòe mắt nội tao thôi, chứ tao mà kinh doanh gì mày. Linh nhếch mép nhìn Trường.
Thoáng thấy Linh có chút buồn buồn như có nhiều tâm sự, Trường hỏi:
– Mày sao đấy? Nay trông mày không được vui. Lại giận nhau với nó à?
– Nó mà dám chống tao chắc. Tao thách nó giận tao đấy, gớm, mày đã thấy anh thất tình vì gái chưa? Đấy nhắc cái …
Linh đưa cái điện thoại có cuộc gọi của một cô gái tên Ly đến trước mặt Trường ra vẻ hãnh diện lắm.
– Thôi biến đi, tao tâm sự xíu.
Trường cười rồi anh đi vào trong. Trường bước đi nhẹ nhàng trên hành lang tầng hai, chân anh mang tất thành ra chẳng nghe tiếng động nào phát ra. Thứ âm thanh duy nhất lúc này là tiếng gõ mõ tụng kinh của bà cụ ở tầng trên. Anh vừa bước xuống cầu thang phòng khách thì nhìn thấy căn phòng giành cho khách vẫn đang sáng đèn. Nhưng rồi Trường cũng không quan tâm mà bước ra cửa để đến căn nhà giành cho người ở. Anh vừa mang xong đôi giày và lủi thủi bước ra phía sau nhà, đi ngang qua hông cửa sổ Trường bỗng khựng chân lại, vì anh thấy được thứ không nên thấy ở ngay căn phòng khách này. Ông Phát đang ôm lấy bà Xuân từ phía đằng sau, ông ta đăng vục mặt vào gáy của bà Xuân với những cử chỉ thắm thiết mà ai trông qua cũng hiểu đó là gì.
– “ Cái quái gì thế này… ??” Đầu anh bỗng nháy số lên như thế.
Trường không phải là camera chạy bằng cơm, nhưng lúc này anh không hiểu sao mình không nhấc chân nổi. Anh im lặng đứng nhìn vào bên trong qua cửa sổ có tấm voan mỏng đang phất phơ nhè nhẹ.
– Đừng anh, lỡ ai mà thấy là chết cả nút. Bà Xuân khó chịu nhún nhẹ cái bờ vai trễ nãi của mình.
– Giờ này còn ai đâu mà em lo, anh nhớ em quá. Nói rồi ông ta hôn lấy hôn để lên vai của bà Xuân.
Bà ta khó chịu nhưng mặc kệ để hắn muốn làm gì thì làm.
– Liệu chuyện đó có xãy ra không anh? Em thấy hơi sợ…
Nghe thế ông ta dừng hẳn và cười nhẹ.
– Vậy càng tốt chứ sao? Chỉ cần nó có chuyện, mọi thứ lại lại chẳng phải của chúng ta hay sao?
– Nhưng nó là con em, em là mẹ nó.
– Thằng Huy cũng là con em vậy, bộ em không muốn sau này cả gia đình ta bốn người sẽ sống hạnh phúc hay sao. Thằng Linh không thể thoát khỏi lời nguyền đó đâu. Cả dòng họ này đã bị nguyền rủa, em không thể làm gì để thay đổi nó được. Nghe anh, em phải lựa chọn. Khi chuyện này kết thúc mặc nhiên mọi thứ là của chúng ta, em còn lăn tăn làm gì?
– Em …. em không biết nữa… Chuyện này… Bà ta lắc đầu thất vọng rồi quay đi.
– Nhà này chỉ có anh, chỉ có thằng Phát này mới là người thừa kế xứng đáng. Sẽ chẳng có đứa nào lấy nó được từ tay anh. Thay vì cứ cố đấm ăn xôi như thế, em không thể dứt khoát buông bỏ nó xuống là xong mọi chuyện à? Nghĩ xa hơn đi em, rồi em sẽ có gia đình mới, em vẫn sẽ là bà chủ đầy quyền lực, em không phải khép nép trước mụ ta hay bất kì ai khác nữa.
Trường lặng người đi khi nghe cuộc hội thoại, anh nhanh chóng lẫn đi vào phía bóng tối. Căn nhà cấp bốn phía sau vườn vẫn còn sáng đèn, biết là mẹ vẫn chưa ngủ, Trường cố lấy lại bình tĩnh rồi bước vào.
Bà Loan, mẹ của anh đang tụng kinh trước bàn thờ.
– Mẹ ..
Bà Loan quay lại, rồi bà lạy sụp xuống đất ba lạy, rồi đứng hẳn lên.
– Con chưa về sao?
– Con Mận ngủ rồi hả mẹ? Trường nhìn quanh.
– Ừ, sao đấy con?
– Mẹ mẹ, ra đây con nói này cái.
Trường nhẹ nhàng kéo bà Loan ra cửa.
– Chuyện gì, nói trong này cũng được mà. Sao mày bí mật vậy con?
– Thì mẹ cứ ra đây với con.
– Từ từ, mày đừng có kéo.
Ra đến cửa, Trường nhìn quanh một vòng nữa rồi anh mới thì thầm.
– Mẹ làm cho nhà này cũng mấy chục năm rồi nhỉ?
– Ừ, mà có chuyện gì, cái thằng này…
– Mẹ, ông Tùng chết sao vậy mẹ?
Bà Loan hơi giật mình khi nghe con trai nói, bà ta đưa mắt nhìn anh.
– Cái thằng này, sao tự nhiên mày hỏi chuyện này? Tào lao, hay mày biết cái chuyện gì rồi?
– Mẹ cứ trả lời con đi.
– Thì ông bị tâm thần, rồi tự tử chết chứ còn sao nữa. Mà cái thằng này, bây giờ là nửa đêm mày hỏi chuyện chết chóc mà làm gì? Làm tao rợn hết da gà. Thôi vào ngủ đi con, mày không sợ chứ tao sợ..
– Ủa, mẹ chưa trả lời con mà. Trường lẽo đẽo theo bà Loan.
– Tao trả lời rồi còn gì thằng này. Mà mày đừng có buôn chuyện nhà người ta, không nên đâu con.
– Con có buôn gì đâu, con hỏi mẹ là nghiêm túc mà. Có đúng là chú ấy tự tử không hả mẹ?
– Mày bớt tào lao đi ngủ hộ tao cái, khuya rồi cứ nói chuyện chết chóc nghe ghê chết đi được.
Bà Loan lãng tránh thằng con trai đang cố moi móc bí mật của gia đình chủ. Dĩ nhiên bà biết chứ, nhưng đời nào bà nói ra cho con mình biết được. Gần như cả cuộc đời phục vụ cho dòng họ này, có điều gì mà bà Loan không biết đến được. Chỉ là đôi lúc thứ quý giá nhất của một “con ở” là biết giữ bí mật cho gia chủ mà thôi.
– Mày có vào nhanh không thì bảo, tao còn đi ngủ mai dậy sớm.
Biết không thể khiến mẹ hé lời, Trường lên tiếng.
– Vậy thôi, con về đây, mẹ đóng cửa cẩn thận đấy nhé.
– Ờ, có cần tao ra mở cửa cho không?
– Thôi, con tự mở, vậy nha…
Nói xong, Trường quay đầu bước đi. Trường chạy xe ra tới ngã tư nhưng trong đầu cứ lởn vỡn những câu đối thoại của bà Xuân và ông Phát. Anh cứ thấy lòng bồn chồn khó chịu, phân vân một hồi, Trường quay xe trở lại nhà của Linh.
“ Cốc… cốc… cốc…”
– Vào đi…
Trường mở cửa bước vào.
– Mày chưa ngủ à?
Trường nói khi hắn thấy Linh đang đứng trên lan can thơ thẫn nhìn xuống dưới.
– Mày quay lại làm gì?
– Tối nay tao ở lại với mày được không?
Linh hơi ngạc nhiên vì thái độ này của Trường, hắn không nói thêm gì, dường như hắn biết Trường đã biết điều gì đó. Nhưng hắn cũng chả buồn hỏi thêm. Đêm nay, Linh có linh cảm điều gì không hay sẽ xãy đến với mình, hắn nhớ lại, xâu chuỗi lại lời mọi người đã nói với hắn. Tại sao bố hắn lại chết, tại sao mẹ hắn, bà nội hắn cư xử kì lạ như thế? Hoang man chứ, ai mà chả thế, vậy nên có một đứa kế bên cũng an tâm hơn phần nào. Không nghĩ ngợi gì nữa, hắn nằm xuống kế bên thằng bạn thân của mình.
Ở một nơi xa nào đó cùng thời điểm, trong khoảng không gian tối om của dãy trọ tồi tàn, ông Lâm đang ngồi trước cửa phòng trọ, thứ ánh sáng le lói duy nhất đến từ mẫu thuốc lá ông đang kẹp trên tay. Thi thoảng ông đưa nó lên và hít một hơi thật sâu khiến nó bùng cháy. Ánh lửa ấy đủ soi rõ gương mặt đầy bất an của ông ta, dường như ông đang lo lắng về điều gì đó. Và với cái ánh nhìn chốc chốc lại hướng lên gác nơi mà cô con gái yêu đang ngủ đủ để hiểu rằng ông đang lo cho Duyên. Đêm nay hơi lạ, không khí bất an bao trùm khắp mọi nơi, có điều gì đó đáng sợ sẽ diễn ra, ánh mắt ông ấy đã nói lên tất cả. Còn Duyên, cô vẫn nằm im cuộn mình trong cái chăn mỏng, tiếng máy quạt vẫn chạy ầm ầm, gương mặt thanh tú không chút phản ứng. À đây rồi, đôi mắt Duyên, phía sau bờ mi đang khép, đồng tử đang ngọ nguậy một cách kì lạ, dường như Duyên đang mơ thấy điều gì đó…
Duyên thấy mình đang ở trong một khu chợ ồn ào, một khu chợ nhỏ, có những gian hàng được dựng lên bằng tre nứa, chính giữa lối Duyên đi là con đường mòn đất đỏ, thi thoảng có những vũng nước đọng trên lối ấy. Duyên đang ở một làng quê nghèo xa xôi, mọi người xung quanh nhọn nhịp lắm, họ khoác trên mình những cái áo xẻ tà điểm màu cháo lòng cũ kỹ, trên vai họ là những khuân gánh với đủ thứ thực phẩm nhu yếu phẩm, phong cách thời trang này chỉ nên tồn tại trước giải phóng. Đang ngơ ngác bỗng Duyên dừng lại, phía bên vệ đường, một cô bé đang hướng ánh mắt nhìn về phía xa, lấp ló sau mái tóc bết lại vì bẩn là một hóc mắt sâu hoắm nhưng không có gì trong đó. Duyên thậm chí chẳng dám nhìn sâu vào bên trong, quá sợ hãi Duyên định bước đi và xem như chưa nhìn thấy gì. Bất chợt con bé lên tiếng.
– Cuối cùng chị cũng đến.
Lời con bé khiến Duyên giật mình, cô dừng bước, từ từ quay đầu lại, cô đưa mắt nhìn quanh như thể khẳng định chắc rằng con bé đang nói về mình.
– Em…e-e-e-em ..
Nó mỉm cười gật nhẹ.
– Chị có giữ một thứ của em…
– Hả, sao chứ?
Cứ thế nó chìa tay ra khiến Duyên bối rối. Cô bỗng đưa tay vào túi áo, cô giật mình vì tay cô vừa nắm phải một hòn bi. Cô lấy nó ra, tần ngần một lúc, cô đặt nó vào lòng bàn tay cô bé. Nó mỉm cười nắm lấy, thế rồi, nó đưa lên cao, trong khoảnh khắc Duyên vừa thấy nó nhét hòn bi ấy vào hốc mắt của mình. Thứ diễn ra khiến Duyên chết lặng vì sợ, cô đứng im không dám di chuyển hay thốt lên. Bởi cô sợ điều gì đó kinh khủng sẽ xãy ra với mình nếu cô chuyển động.
Cô bé sau khi nhét sâu nó vào bên trong thì nó cười tươi rói hướng ánh mắt về phía Duyên. Kì lạ thay, con mắt ấy có thể hoạt động như con mắt của người bình thường vậy.
– Cảm ơn chị…
Con bé thốt lên ma mị như thế, nó đưa mắt nhìn Duyên. Cô không dám nhìn thẳng, chỉ gật đầu một cái. Con bé nhìn không gian xung quanh, ánh mắt à không chính xác là một con mắt còn lại của con bé đang đưa mắt nhìn.
– Hôm nay trời đẹp quá? Về nhà thôi…
Nói xong, nó đứng lên, nắm lấy tay Duyên và bước đi. Duyên cảm nhận được, đằng sau đôi tay bé nhỏ chai sần của con bé có chút lạnh lạnh. Vừa đi, Duyên vừa nhìn xung quanh, vì lúc này, tất cả ánh mắt mọi người đều nhìn về phía mình. Ánh mắt họ như thể muốn ăn tươi nuốt sống cô vậy. Quá sợ hãi Duyên càng nắm chặt bàn tay con bé hơn.
Nó cúi gầm mặt, đôi chân trần đen đúa vì bùn đất bước nhanh thoăn thoắt qua khỏi khu chợ. Duyên cứ bước phía sau, cô không dám lên tiếng hỏi nó vì sợ. Thế rồi, nó dừng lại, ngẩng đầu lên nhìn. Phía trước mặt Duyên là một căn nhà rất lớn, với bờ tường gạch đã bám rêu cao vút. Nó đưa ánh mắt lên nhìn cô.
– Đây là nhà của chị đấy, chị vào đi.
Duyên vẫn không trả lời nó.
Con bé cúi xuống, nắm lấy một cục đá ven đường, nó lém lỉnh ném mạnh vào cửa. Lát sau, cảnh cửa hé mở ra. Tiếng một thanh niên từ trong vọng ra.
– Mẹ cha đứa nào ném vào nhà ông Lý, tao mà bắt được tao chặt què chân.
Tên thanh niên ấy bước ra, thế rồi hắn bỗng thay đổi thái độ.
– Ủa cô Xoan, sao sao cô không gọi con mở cửa mà lại ném đá như thế…
Duyên ngơ ngác nhìn quanh, lúc này con bé đã biến mất lúc nào không hay.
– Thôi cô vào đi, con xin lỗi, con cứ tưởng đứa nào nó quậy phá nên mới… mà cô cũng ác nữa cơ, mọi khi hiền là thế tự nhiên lại..
– Anh là …
– Con đây, ơ hay, cô có bị làm sao không vậy? Cô bị.. bị mệt ở đâu à?
Duyên không trả lời, thế rồi nó tiến lại mở cửa rộng hơn.
– Cô vào đi ạ, để con còn chốt cửa.
Duyên lại bước vào bên trong. Đó là một căn nhà lớn, à phải nói là một biệt phủ mới đúng, nó có một khoảng sân được lát đá, bon sai có ở khắp nơi, có vài ba căn nhà nối tiếp nhau bởi một dãy hành lang lối đi được che mái cổ kính. Thi thoảng có vài ba người bước qua lại, nam nữ đều có đủ, họ ăn vận gần như giống nhau với cái áo ba ta màu nâu sần cũ. Thấy cô ai cũng khẽ cúi đầu rồi “ cô Xoan ” một tiếng. Duyên bước vào căn giữa, đó là một căn nhà rộng hơn, ngồi khệ nệ trên tấm phản lớn trước bàn thờ, một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, ông ta nằm thư giãn với điếu cày, thi thoảng rít lên với những âm thanh kéo dài, bên cạnh cô hầu gái phe phẩy cái quạt được làm từ mo cau to bản.
– Mày đi đâu về đấy con, sáng sớm chưa cơm nước gì đã chạy biến đi chơi, riết rồi mày hư lắm nha con.
Duyên vẫn im lặng, cô khẽ cúi đầu rồi đi vào trong. Chợt miệng cô thốt lên những lời như bị ai đó sai khiến chứ không phải chủ ý cô nói.
– Nhà … nhà bếp ở đâu vậy anh?
Duyên khẽ hỏi tên hầu, nó ngơ ngác đưa mắt nhìn cô.
– Cô có sao không vậy? Con không hiểu?
– À, đưa tôi xuống bếp, nhanh đi…
– À dạ vâng..
Nó chẳng hiểu cô chủ nó đang nói cái gì mà chỉ biết tuân lệnh. Cơ mà cũng đúng thôi, đến người nói còn chẳng biết mình nói gì nữa là nó. Vừa đến nơi, Duyên thấy có hai người đàn bà đứng tuổi đang lau dọn bếp.
– Chào cô Xoan… một người lên tiếng.
Duyên khẽ cúi đầu đáp lại. Cô bỗng chú ý đến một cái nồi đựng cơm và thức ăn bên trong, nhưng chúng được trộn lẫn vào nhau, trông như kiểu trộn cơm cho chó ăn vậy. Điều kì lạ là cô lại chú ý đến nó, rồi đột nhiên cô hỏi:
– Cái này …
– À dạ đây là thức ăn thừa mà con Thức gom lại để cho con Mén ăn đấy cô. Cô đồng ý rồi mà, cô bảo cứ lấy thức ăn thừa nếu ông chủ đã ăn xong.
Bất ngờ Duyên ra lệnh:
– Gọi chị Thức lại đây.
Bà ta ngạc nhiên lắm khi nghe Duyên nói, nhưng rồi bà ta vẫn “dạ” một tiếng và cúi đầu bước đi. Người đàn bà kia cũng ngạc nhiên không kém rồi đưa mắt nhìn tên hầu. Thằng này chỉ nhăn mặt lắc đầu ra hiệu chứ không dám nói tiếng nào.
Lát sau, một người phụ nữ trẻ măng, gương mặt hiền lành, thanh tú, rất khác với những người hầu ở đây. Duyên chỉ kịp nhận ra chị ta là người hầu nhờ bộ đồ cùng màu với đám gia nhân. Chị ta cúi đầu sợ hãi, tay vân vê vạt áo.
– Dạ, cô cho gọi con…
Duyên chỉ tay về cái nồi cơm. Như hiểu ý cô chủ, Thức nhỏ nhẹ.
– Dạ, con …
– Nhà chị ở đâu?
Nghe thế cô ta ngẩng đầu lên ngơ ngác. Thế rồi cả hai dẫn nhau đi ra phía cửa.
Duyên đi sau cô ta, phía trước, con Thức đang bê cái nồi đi lại phía khu đất sau nhà. Đó là một vườn sắn rất lớn, đi qua hết vườn sắn ấy, là một căn lều ọp ẹp xiêu vẹo. Đến nơi, Thức đặt cái nồi xuống, chị ta ngơ ngác nhìn quanh.
– Mén ơi, về ăn cơm, Mén…
Phía xa xa trong lùm sắn, một cô bé ngẩng đầu nhìn lên, nó “ dạ” một tiếng rõ to rồi nhảy chân sáo về lều.
– Dạ con mời cô Cả dậy ăn cơm..
Lúc này Duyên mới chú ý, hóa ra có một cô gái khác cũng trạc tuổi cô gái kia, được chị ta gọi là cô Cả. Cô ta choàng ngồi dậy, Duyên khẽ giật mình, bởi khắp cơ thể chị ta nổi đầy những u thịt nhỏ, lớn khác nhau. Càng hãi hùng hơn nữa khi cô bé con bước vào, đó chính là con bé lúc sáng đã dẫn cô về căn nhà này. Nhưng lần này nó khác lắm, đôi mắt sáng rõ rất đẹp chứ không đáng sợ như lúc sáng. Nó nhìn cô với sự bỡ ngỡ như gặp người lạ. Nó đứng nép bên mình chị Thức, tay nó ôm lấy đùi chị và dúi mặt vào.
– Dạ cô chủ, đây… đây là con gái tôi… chào cô Xoan đi con, nhanh mẹ thương…
Con bé cứ nấp sau mẹ nó mà không dám nhìn.
– Cô thông cảm, con bé ít khi thấy người lạ nên nó sợ…
– Chị này là…
– Dạ. Đó… đó là… Chị ta ấp úng khi hỏi về cô gái dị tật kia.
– Dạ cô chủ, tôi là chị em của con Thức, xin lỗi cô nếu nếu khiến cô sợ hãi. Chị ta đáp thay và xấu hổ đưa tay che những u lớn trên má và cổ.
Bất chợt Thức quỳ gối, chấp tay lại, lạy Duyên một cách khẩn khoản.
– Xin cô, cô đừng nói với ông Lý, nếu ông mà biết thì mẹ con tôi không sống nổi đâu.
– Sao cơ, ông ta không biết chuyện này sao? Nhưng mà ở đây cách nhà ông ấy đâu có xa?
– Dạ, là tôi giấu ông ấy chuyện cô Cả..à.. không …. chị tôi ở đây, còn cả chuyện tôi lấy trộm cơm của chó nữa…
– Không sao đâu, tôi không nói chuyện đó đâu, chị yên tâm..
Bất chợt phía sau lưng, con bé bỗng lén lút nhìn Duyên. Duyên cũng mỉm cười khẽ đưa tay xoa đầu nó, nó cúi đầu xuống tránh tay Duyên. Sau đó, nó ngẩng đầu lên, lần này, đôi mắt nó đã biến đâu mất, mà chỉ còn hai hốc mắt sâu hoắm không nhìn thấy đáy…. Nó nhoẻn miệng cười, nhưng hai bên khóe miệng nó nứt dần ra để lộ hàm răng lưa thưa đầy sắc nhọn, nó ngoác rộng khóe miệng ước chừng phải đến mang tai.