Bây Giờ Rất Muốn Đập Chậu Cướp Hoa - Chap 6
Tôi đi thẳng vào nhà bếp. Trên bàn đã dọn sẳn món ăn, chỉ chờ đông đủ là có thể tụ họp lại được rồi. Bà nội đang ngồi chờ tôi vào:
“Cháu đã về rồi đó à. Lại đây bà cho cháu xem thứ này!” Trên tay bà đang cầm vật gì đó gói trong chiếc khăn kẻ sọc caro.
Tôi bước vào chỗ ngồi của mình, vị trí đó cách bà nội khoảng hai cái ghế. Tôi cười bảo: “Vật gì mà khiến bà nội phải nhọc lòng mà gói kĩ thế?”
Vừa nói bà vừa mở chiếc khăn ra. Một chiếc vòng màu tím ngọc dần lộ rõ:
“Đây là chiếc vòng đã theo bà từ lúc lấy ông mày đến nay. Bây giờ con sắp đính hôn với cháu ông Hai, có thể coi đây là của hồi môn bà cho con trước khi lấy chồng!”
Bà đi đến cầm tay tôi đeo vào. Tôi nhìn chiếc vòng này mà cảm thấy nực cười.
Con người ta sống trong giả dối quá lâu nên trong đầu dần hình thành đoạn kí ức giả tạo. Đây chẳng phải chiếc vòng lúc bà nội đi du lịch mua đồ lưu niệm hay sao? Muốn dùng một chiếc vòng đổi lấy mười cây vàng! Sao nghèo mà hay tham vọng quá vậy?
“Con không gả.”
Tôi tháo chiếc vòng ra để trên bàn: “Ai nói con đồng ý thế?”
“Bà nghe mày nói chuyện với thằng Bảo. Là chính tai bà nghe được!”
“Chuyện trẻ con nói mà bà cũng tin. Bà đã già thật rồi!”
Bà nội nhìn chằm chằm vào tôi: “Ý mày nói bà già này hồ đồ hả? Mày làm vậy là mày sai, là mày không tôn trọng người lớn.”
“Thôi mà, đừng nói vậy mà. Người nói không sai, sai ở chỗ người nghe cho là thật.”
Tôi chỉ mới vừa quăng cần câu thôi mà bà đã đớp được mồi rồi! Trách ai bây giờ đây.
“Trước cũng gả sau cũng gả. Sớm muộn gì cũng ra khỏi cái nhà này thì tội tình gì mà phải ở lại đây hả con?”
Tôi nhìn thẳng vào bà:
“Nhưng không phải bây giờ. Chỗ mai mối tốt vậy thì sao bà không để dành cho Ngọc Diệp?”
Bà nội lảng tránh ánh mắt của tôi: “Nó chỉ mới học lớp 10, làm sao mà lấy chồng được!”
“Con với nó tuy chênh lệch có 1 tuổi nhưng dù sao con cũng là chị họ, so đo với nó làm gì?”
Tôi cười lạnh: “Con đâu phải Thúy Kiều. Cha con đâu có nợ tiền ai, con cần gì phải bán thân chuộc cha?”
“Chú út có gan cờ bạc thì cũng có gan trả tiền. Bà nội dung túng làm liều thì cũng tự chịu trách nhiệm đi chứ! Ba con không dư dả đâu mà giúp chú út trả nợ hoài.”
“Mày… mày hỗn láo. Chuyện người lớn đâu tới lượt mày xen vào.”
Bà nội đứng dậy chỉ thẳng vào mặt tôi: “Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi, ba mày lúc nào cũng nghe lời tao. Lần này cũng sẽ như vậy thôi.”
Hừ, không ai giàu ba họ không ai khó như bà. Ai mà theo phe bà, theo phe bà đặng đói hay gì? Được voi mà còn muốn đòi hai Bà Trưng.
Tôi dùng tay chống cằm, thản nhiên nói:
“Bà nội có tin không? Gieo nhân nào gặp quả nấy!”
Ở hiền chưa chắc gặp lành, nhưng sống ác ắt gặp quả báo.
“Mày đang trù ẻo tao đúng không? Muốn bà già này chết sớm cho khuất mắt mẹ con bây chứ gì” Bà nội giả vờ đấm vào ngực mình kêu than:
“Trời ơi! Ngó xuống mà coi. Nó muốn tôi chết tức chết tưởi, chết ức chết oan đây mà.”
Tôi đáp lại lời bà:
“Trăm năm Kiều vẫn là Kiều. Đời này cay nghiệt, đời sau chắc giàu?”
“Ý mày là sao? Ý mày là tại tao tạo nghiệp nên đời con đời cháu tao nó nghèo ngóc đầu lên không nổi hả?”
Nể người bà của tôi thật chứ. Con người chứ có phải radio đâu bấm nút cái là diễn nét thương tâm.
“Con đâu có khả năng trò chuyện với nội tạng, nên con đâu thể hiểu được lòng bà!”
Đúng là một ngày tu chưa thành chính quả. Một ngày ngu bao hậu quả xảy ra. Biết thế bữa đó mình im, câm luôn cái họng lại thì giờ đâu có nghe nói tới nhức đầu.
Tôi kéo ghế ngồi ra, cầm điện thoại trên tay muốn rời khỏi chỗ này để điện cho ba mau về, giải quyết cái mớ rắc rối này giúp tôi. Chứ tôi chịu hết nổi cái cảnh này rồi.
Bà nội kéo tay tôi lại:
“Đừng có mà đặt điều vu khống tao. Chắc mày không ưa tao dữ lắm phải không?”
Bà gằn giọng: “Mày muốn hại tao phải không? Mày muốn hại tao nên mày mới đối xử với tao như vậy nè mày thấy chưa?”
Tôi cố gắng khuyên bà, giúp bà bình tĩnh lại:
“Con bò sáng phải rống lên. Con người cũng vậy, nên sống phải ráng lên.”
Vỗ vỗ nhẹ vào lưng bà, tôi nói tiếp: “Không có tiền thì kiếm. Xấu thì sửa. Nhưng tầm nhìn mà kém thì hết thuốc chữa.”
Bỗng từ ngoài có bóng người bước vào trong nhà. Tưởng là ai hoá ra là ba đã về. Yeah! Tuyệt vời. Sắp được giải thoát rồi.
“Hai bà cháu đang nói chuyện gì mà vui vẻ thế?”
Ba quay qua nhìn tôi: “Ôi con gái yêu của ba đã về rồi à! Đi đường về có mệt lắm không con.”
“Dạ, không đâu. Được nói chuyện với bà nội là con hết mệt rồi.”
Từ lúc mà tôi bước chân vào cái nhà này tôi chưa được phút giây nào đàng hoàng yên ổn. Cũng may còn gom gom được kha khá tiền, TIỀN ĐÌNH.
Cuối cùng mọi người cũng tập hợp đông đủ vào bàn ăn. Mẹ tôi bước vào sau cùng, bà nội thấy thế bắt chuyện nói với mẹ:
“Thùy Chi, cô dạy con khéo thật đấy! Tuổi còn nhỏ nhưng miệng lưỡi không nhỏ tí nào.”
Mẹ tôi ngồi xuống bàn ăn, nói:
“Dạ, mẹ cứ nói đùa hoài. Nó còn khờ dại, con còn muốn nhờ mẹ dạy bảo thêm cho nó ra đường khôn lanh với người ta.”
“Tôi không có được cái phúc phần đó đâu! Cô cứ giữ lấy mà dùng.” Thái độ bà nội trách móc khiến mẹ phải liếc nhìn tôi – bằng nửa con mắt.
U là trời, em nào có tội. Em có biết cái m* gì đâu? Tránh vỏ dưa còn gặp vỏ dừa.
Để tránh khỏi ánh mắt sắc như gao găm ấy, tôi quay qua gắp thức ăn bỏ vào chén thằng em của mình:
“Bảo! Mày ăn nhiều dô. Con trai gì đâu mà ăn ít như con gái vậy, trưởng thành lên coi.”
Thằng Bảo nó nhìn tôi, hờ hững nói:
“Bà chị, sao bữa nay chị tốt bụng vậy? Nhìn không quen.”
Nó gắp món ăn mà nó không thích qua chén của tôi: “Cứ bình thường như trước đi, đừng có ra dáng thục nữ đoan trang làm gì, nó lạ lắm.”
Tôi xua tay, lắc đầu: “Con người mà, nghèo sẽ tự thay đổi.”
Mày thử sống 3 tháng không tiền coi, mày còn ra dáng một con người không?
“Chị mà nghèo thì tôi không biết ai là triệu phú nữa?”
Tôi có một thắc mắc là sao mọi người nhìn mình tiêu tiền xong ai cũng đồn mình giàu. Không bạn ơi, tôi chỉ là một đứa sống vô tổ chức.
“Chỗ nào trên người tao thể hiện tao giàu vậy?? Tao là hội trưởng hội nhà nghèo được anh em trong nhóm bầu cử đó mày.” Buồn là cái tâm, còn tiền là cái túi.
Tôi tiếp tục gắp thức ăn vào bát nó, nó bực bội nhìn tôi: “Nghèo quá mất trí nhớ rồi hả? Món này tôi bị dị ứng, bà chị có thật sự coi thằng em như người trong nhà không vậy?”
“À, không sao! Nếu mày có tiền thì anh em bốn bể là nhà.”
Mẹ tôi thúc giục hai chị em:
“Hai đứa bây ăn tranh thủ lên còn mang hành lí ra xe giúp bà nội nữa.”
“Thôi, mẹ ăn no rồi. Thằng Ba, con đừng quên chuyện mẹ đã nói với con. Mẹ chờ tin của con đó.”
Ba tôi nghe thế gác đôi đũa đang cầm trên tay lên miệng chén: “Mẹ đã nhắc thì sẵn đây con cũng nói luôn. Đây sẽ là lần cuối cùng con trả nợ cho nó, sau này nó vẫn ngựa quen đường cũ thì cứ bỏ mặc nó đi.”
“Không liên quan gì đến gia đình con, con sẽ không giúp nó nữa đâu.”
Sắc mặt bà nội trầm xuống, cố nén giận dữ trong lòng:
“Tôi nuôi anh khôn lớn không kể công khó nhọc. Để bây giờ tôi nhờ anh có một chuyện mà anh cũng không giúp là không. Anh tàn nhẫn thật đấy!”
Mẹ tôi nghe thế liền bênh ba: “Mẹ nhờ chồng con không phải một chuyện mà là rất nhiều chuyện đó ạ. Lúc mẹ bệnh tật ốm đau, lúc mẹ nhờ sửa sang căn nhà, đến cái tiệm cơm tấm mẹ cũng nhờ, hở một chút là thằng ba. Mấy việc đó là đạo làm con lên con không lên tiếng.”
Lập luận của mẹ ngày càng chặt chẽ, sắc bén:
“Nhưng riêng chuyên này thì khác. Tiền bạc nhà con cũng có giới hạn, đâu thể dang tay mà giúp đỡ hết lần này tới lần khác được. Nhà con còn phải lo cho hai đứa nhỏ ăn học thành tài mà.”
“Vợ con nó nói đúng đấy mẹ. Con không chỉ là con của mẹ mà còn là ba của hai đứa trẻ, là trụ cột của gia đình.”
“Nhưng mẹ đã đề cập với con chuyện của con Châu. Chỉ cần con gật đầu cái là xong xuôi mọi chuyện rồi. Đâu cần làm căng thẳng tới mức này.”
“Mẹ làm thế sao mà coi được. Tuổi nó nhỏ còn đang đi học. Không được, chuyện này không thể được.” Ba tôi lắc đầu, nhất quyết không chịu.
Mẹ tôi xen vào: “Chuyện vợ chồng đâu thể ngày một ngày hai mà có thể định đoạt được. Huống chi là người mà nó chưa gặp lần nào.”
“Nhà con tuy không giàu nhất vùng nhưng cũng đủ đầy, dư dả. Đâu cần làm tới mức phải mất hết thể diện gia đình.”
Bà nội đẩy mạnh ghế ngồi rồi bước dậy đi ra ngoài: “Anh chị đã nói tới mức này thì thôi, tôi không còn gì để nói nói nữa. Chào anh chị, tôi về.”
Ba tôi đi theo sau bà đem hành lí ra xe, hai đứa tôi lon ton đi theo chào tạm biệt bà.
Ba ngồi ghế lái xe dặn mẹ chuyện gì đó. Tôi hô to thúc giục ba đi mau:
“Giờ lành đã điểm! Quốc mẫu hồi cung.”
Dứt lời, tôi nở nụ cười tươi vẫy tay chào bà nội như tân hoa hậu hoà bình thân thiện.
Thằng Bảo nhìn tôi bằng ánh mắt ngưỡng mộ, chắc nó không ngờ tôi việc gì cũng dám làm, chuyện gì cũng dám nói.
“Nhìn gì mà nhìn, học hỏi theo chị mày đi. Hãy sống như một bông hoa, lấy drama làm ánh mặt trời!”
Sống thôi chưa đủ, sống là phải có drama, có người ghét, có người sân si nó mới vui.
Vị ‘khách quý’ đã đi vậy thôi tôi cũng xin tạm biệt.
“Trể rồi con cũng đi về nha mẹ.”
“Sao chị không ngủ qua đêm rồi về?”
“Không, tao ở đây để rửa chén hay gì? Bàn tay này để vẽ chứ không phải rửa chén.”
Y như cũ, mẹ tôi đã chuẩn bị sẳn đồ ăn cho vào túi mang về. Trước khi đi, bà còn nói câu này khiến tôi phải suy ngẫm:
“Nếu lần này con thi học sinh giỏi Ngữ văn được giải nhất, mẹ sẽ mua xe mà con đã chọn.”
Má ơi! Thời tới cản không kịp.