Bà Không Thương Cháu Sao? - Chương 9
Bà Huệ cứ như là một người chạy xe đạp, cứ mải miết lao về phía trước, đến khi ngẩng đầu lên nhìn thế giới thì mọi thứ tốt đẹp đều đã vụt trôi qua tầm mắt. Những người nhàn nhã đạp xe vẫn ở phía sau chiêm ngưỡng cảnh đẹp, nhàn nhã đạp xe về phía trước mà không hề mỏi mệt đổ mồ hôi. Bà Huệ tự hỏi cả cuộc đời bà đã vất vả rồi, đến bây giờ vẫn còn phải vất vả, để đổi lại được gì? Hạnh phúc ư? Sung sướng ư? Cả hai thứ đó bà Huệ đều không cảm nhận được.
Ngày nào bà Huệ cũng suy nghĩ về hạnh phúc và tự do của mình. Bà không tài nào nhớ nổi lần cuối cùng bà cảm thấy hạnh phúc là khi nào, thứ hạnh phúc thật sự, thứ hạnh phúc kèm theo nước mắt và sự tự do ấy.
Rồi đến cái ngày thằng bé Rốt bị tai nạn khiến bà Huệ nhận ra bản thân thật sự già cỗi và không còn phù hợp ở bên cạnh gia đình của con trai nữa. Khi bản thân nhận ra mình thừa thãi, việc ra đi là cách vẹn tròn nhất. Các con của bà chẳng sai, cha mẹ yêu con nhất trên đời, bà cũng từng như vậy. Nếu khi xưa trong mắt bà chỉ có con trai, thì nay trong mắt con trai chỉ có vợ và con của nó. Đó là lẽ tự nhiên thế nhưng bà vẫn thấy chạnh lòng.
Bà Huệ cuối cùng đã quyết tâm rời đi, quyết tâm sống ích kỷ một lần để bản thân có thể giống với người ta, ung dung tự tại ngắm nhìn cuộc sống. Bà Huệ không nuôi con, chăm sóc con để chờ ngày được báo đáp. Bà chăm sóc con là vì muốn con được hạnh phúc và sung sướng. Đến bây giờ có lẽ bà cũng nên nghỉ ngơi được rồi, tuổi của bà, chăm chỉ thêm nữa thì có ích gì đâu. Bà có tiền để có thể sống không dựa vào con cháu, bà cũng cảm thấy thân thể đủ khỏe để không sống dựa vào con. Trong khi bản thân còn khỏe, con cái cũng đã trưởng thành, tại sao không được phép dành cho mình một quảng thời gian thong thả cơ chứ?
Tất cả những lý do trên đã khiến cho bà Huệ quyết tâm trở về quê nhà, tận hưởng những ngày tháng bình yên của mình. Nói thì hơi buồn, kể từ khi rời khỏi nhà của con trai thì bà mới có cảm giác mình được sống là chính mình.
Ngược lại với sự thong dong tự tại của bà Huệ, vợ chồng Tùng trên thành phố sắp loạn hết lên rồi. Hai vợ chồng đắn đo mãi, lựa chọn mãi vẫn chưa tìm được người giúp việc thay thế nên phải tự mình đưa đón con đi học. Buổi sáng không kịp cho con ăn sáng, phải mua vội cái bánh, hộp sữa, nắm xôi bên ngoài đường. Buổi tối đi làm về muộn, thức ăn không kịp mua phải mua đồ người ta nấu sẵn. Ăn một vài bữa đồ ăn ngoài thì ngon đấy, lạ miệng đấy, nhưng ăn hoài cũng lại nhớ hương vị cơm nhà, nhớ cơm mẹ nấu chứ. Hai đứa nhỏ dị ứng mì chính nên dù mệt cỡ nào hai vợ chồng cũng phải tự vào bếp nấu thức ăn riêng cho các con. Còn nữa, Su thì không thích ăn mỡ heo, Rốt thì dị ứng với các loại hạt và muôn vàn điều lưu ý khác trong bữa ăn mà hai vợ chồng phải ghi nhớ.
Ngày trước khi còn được mẹ chăm sóc, mặn chút, nhạt chút, mỡ chút, cháy chút đều than vãn, chê bôi. Giờ ăn cơm tiệm, dở đến mức không nuốt nổi cũng chẳng biết than với ai.
Chưa hết, chuyện ăn uống không thì nói làm gì. Còn chuyện học hành của hai đứa trẻ. Lúc trước có bà Huệ, bà ngày nào cũng bắt bọn trẻ học bài xong rồi mới ăn cơm tối. Ăn xong, bụng no kềnh rồi thì mắt híp lại khó lòng mà học bài nổi. Bây giờ không có bà nội quản, đi học về là bọn trẻ bật tivi lên xem cho đã đời. Ăn cơm xong thì vừa ngủ gật vừa làm bài tập, chất lượng học tập cũng giảm sút vô cùng.
Ngày nào vợ chồng, cháu chắt cũng gọi cho bà, than rằng không có bà mọi chuyện thật tồi tệ. Nhưng bà Huệ cứng rắn lắm không mảy may động lòng. Mai và chồng sau khi gác máy của mẹ liền trầm tư nhìn cuốn sổ tay mà mẹ để lại. Gia đình này là của họ nhưng có vẻ như họ đã ỷ lại vào mẹ quá nhiều, ỷ lại đến mức nếu mẹ rời đi thì nó chẳng còn giống một gia đình nữa. Vậy đây là lỗi của bà Huệ hay là lỗi của họ? Mai thở dài nói với chồng:
– Em nghĩ rằng chúng ta đã dựa dẫm mẹ quá nhiều, đã để mẹ lo toan hết mọi việc trong nhà nên đã khiến cho mẹ kiệt sức. Đáng ra em nên để ý quan tâm mẹ nhiều hơn, đáng ra việc chu toàn gia đình, chăm sóc con cái phải là em làm mới phải. Mẹ đã lớn tuổi vậy rồi mà còn phải làm việc nhà, phải chăm con, chăm cháu, chúng ta thật là bất hiếu phải không anh?
Tùng cũng nghẹn lòng:
– Ừm, anh cũng cảm thấy lỗi là của chúng mình. Mẹ đã vất vả cả cuộc đời rồi, đáng lẽ ở tuổi này mẹ cần được nghỉ ngơi an dưỡng, vậy mà anh không hiểu, còn trách mẹ không thương chúng ta. Mẹ làm những việc không tên, nhưng việc nào cũng là việc vĩ đại.
Hai vợ chồng cuối cùng cũng hiểu cho cảm giác mỏi mệt của bà Huệ nên thôi không than thở, thôi không năn nỉ bà Huệ về thành phố nữa.