Bà Không Thương Cháu Sao? - Chương 8
Chiều tà, mấy người hàng xóm láng giềng lâu ngày không gặp liền chạy qua thăm hỏi bà Huệ. Bà nấu sẵn một ấm nước chè xanh, bày ra mấy thứ kẹo bánh mua từ trên thành phố ra đãi mọi người, vừa hàn huyên vừa hỏi thăm nhau sau bao ngày xa vắng. Buổi chiều nơi thôn quê mát mẻ như ru, không ồn ào khói xe, không vội vã tan tầm như nơi thành thị, thật là bình yên.
Người nào cũng thắc mắc tạo sao bà đang sống hạnh phúc với con cái lại bỏ phố về quê. Bà Huệ không muốn nói quá nhiều về suy nghĩ riêng của mình chỉ bảo rằng đã chán ở thành phố nên về quê ở cho thoải mái. Bà sợ sự ngột ngạt của thành phố.
Người ta đoán bà có chuyện cãi nhau với con cái mới về, tuy nhiên nhìn tinh thần vui vẻ lạc quan hiện tại của bà Huệ thì không giống với người đang có chuyện cãi nhau rồi giận dỗi bỏ đi.
Căn nhà nhỏ có người ở như sống lại, ấm cúng hẳn ra. Bà Huệ đi chợ mua chục con gà, thêm vài bụi rau xanh mang về trồng ở góc vườn lấy cái ăn. Sớm sớm chiều chiều, nhàn nhã tuổi già. Bà có thời gian rảnh mỗi chiều lại đi ra ngoài hội trường xóm để tập nhảy dân vũ với bạn đồng niên, cuộc sống không có gì sướng bằng.
Vợ chồng Tùng ngày nào cũng gọi về hỏi thăm để xem mẹ sống thế nào. Khi nào sắp kết thúc cuộc gọi Tùng và Mai cũng nói rằng:
– Mẹ ơi! Mẹ về quê chơi mấy bữa, khi nào chán thì lại lên với chúng con nhé! Chúng con và cả hai đứa Su, Rốt nhớ mẹ lắm ạ.
Bà Huệ đã không còn cái vẻ mặt cau có, không còn giọng nói cáu gắt như trước mà cười rất hiền:
– Đợi tôi lên đấy thì còn hơi lâu. Anh chị mà có nhớ thì đưa cháu về đây thăm tôi.
Một buổi chiều trời mưa bất chợt. Ngồi bên hiên nhà với một bát chè xanh, bà Huệ nhớ lại lý do khiến cho bản thân quyết định rời bỏ gia đình con trai để về quê sống một mình.
Chẳng phải vì giận con cái, chỉ là đột nhiên bà nhận ra cả cuộc đời mình chưa từng có một phút sống cho ý thích riêng.
Lúc còn nhỏ, bà là chị cả trong một gia đình nghèo, phải bỏ học để phụ bố mẹ kiếm tiền nuôi các em. Khi đến tuổi lấy chồng, cũng là gia đình giới thiệu cho bà một người chồng. Cũng may phước, bà và chồng đã yêu thương nhau từ cái nhìn đầu tiên rồi sống với nhau đến hơn mười năm. Chỉ tiếc hạnh phúc ngắn ngủi, chồng bà lại mất sớm. Bà vì con cái không đi bước nữa mặc dù có rất nhiều lời mai mối gần xa.
Cả cuộc đời xuân trẻ chưa từng biết ngày nghỉ là gì. Trời mưa hay nắng, Chủ Nhật hay ngày lễ bà đều làm việc chăm chỉ. Bà chỉ biết làm việc và làm việc để cho con trai có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khi con cái lớn, bà vẫn chưa hết chuyện để lo, bà phải tiết kiệm cho con để con có thể kết hôn với một người đàng hoàng tương xứng. Sau khi con kết hôn xong, bà cũng chưa được nghỉ ngơi, con trai sinh cháu, bà thương con lại gói ghém lên thành phố ở cùng với con. Ở tuổi sáu mươi vẫn còn con mọn.
Cách đây hai tháng, một ngày nọ bà bị cảm do thay đổi thời tiết. Vợ chồng của con trai đi làm chưa về, cháu thì đi học không có ai đón, cơm tối cũng chẳng ai lo. Thế là dù cho mệt mỏi cách mấy bà vẫn phải dựng người dậy, mang cái thân thể sáu mươi ọp ẹp của mình tiếp tục hầu hạ con cháu. Ngày hôm ấy bà mới chợt nhận ra mình thật là khổ.
Bữa cơm tối hôm đó bà vẫn giấu các con chuyện mình bị cảm, đầu đau như búa bổ nhưng vẫn giả vờ như không có gì. Tùng ăn canh, nhăn mặt nói:
– Ôi mẹ! Hôm nay mẹ nêm canh gì mà mặn thế. Mà con để ý dạo này mẹ nêm đồ ăn mặn hơn rồi đấy nhé! Chúng ta nên ăn nhạt thôi mới tốt cho thận mẹ ạ.
Đúng lúc đó con bé Su nhăn mặt vì vừa cắn phải thứ gì đó, nó nhè ra một mảnh vỏ trứng. Mai xem xét cho con, vô tư nói:
– Ôi trời, bà nội lại muốn Su ăn thêm vỏ trứng cho có canxi đây mà. Bữa giờ Su ăn đến ba lần vỏ trứng rồi ấy nhỉ? Trúng giải độc đắc rồi.
Lời nói của các con chỉ là vô tư theo thói quen nhưng vào lúc cơ thể mệt mỏi nhất lại khiến cho bà Huệ vô cùng tủi thân. Đó không phải là lý do chính để bà Huệ muốn trở về quê mà kể từ giây phút thấy cuộc sống của mình bị cột chặt với cuộc đời của con cái, nghĩ đến cả đời phải làm việc không chút nghỉ ngơi khiến bà cảm thấy mỏi mệt và chán nản vô cùng.
Bà Huệ bắt đầu mất dần đi tinh thần làm việc, bà lúc nào cũng cảm thấy quá tải, lúc nào cũng cảm thấy cơ thể nặng nề khó chịu. Khi bản thân đã có điều bất mãn thì những chuyện buồn xưa cũ đã từng quên lại hiện về rất rõ ràng. Bà nhớ về một lần nọ cả gia đình con trai đi du lịch chỉ để bà một mình ở nhà. Lúc ấy đúng là bà đã nói mình không muốn đi, tuy nhiên cả con trai lẫn con dâu chỉ hỏi bà đúng một lần rồi im luôn. Đến ngày đi chơi, cả nhà vô cùng vui vẻ, cũng chẳng để ý bà cảm thấy cô đơn tủi thân thế nào. Bây giờ nghĩ lại, hẳn gia đình con trai chỉ là mời mẹ đi cho có, việc bà không đi cùng có lẽ khiến cho các con cảm thấy thoải mái hơn cũng nên.