Bà Không Thương Cháu Sao? - Chương 7
Trong cuốn sổ tay là tất cả thói quen sinh hoạt của gia đình này, là những gì cần phải lưu ý để mỗi thành viên trong gia đình đều được thoải mái và vui vẻ. Bà Huệ không phải là một kẻ vô tâm như những gì bà thể hiện bên ngoài.
Bà Huệ rời khỏi phòng, khe khẽ mở cửa phòng của hai đứa cháu. Bà bước vào và ngồi bên cạnh chúng rất lâu. Trong bóng tối mờ mờ của căn phòng. Đôi tay nhăn nheo nhiều vết chai sạn của bà nhè nhẹ vuốt lên tóc của Su và Rốt. Hơi thở bà nặng trĩu, run run. Bà Huệ định đứng lên thì bàn tay nhỏ của bé Su nắm lấy tay bà. Con bé thì thầm:
– Bà ơi!
Bà Huệ bị giật mình một chút nhưng rồi cũng bình tĩnh lại ngồi xuống bên cháu. Bà vuốt tóc con bé, thỏ thẻ:
– Bà xin lỗi! Bà làm cháu tỉnh giấc à?
Bé Su nhổm người ngồi dậy rồi ôm chặt bà Huệ trong lòng. Cõi lòng sắt đá của bà Liễu cũng phải gục ngã trước cử chỉ chân thành ấm áp của cháu gái. Ánh mắt bà rưng rưng. Su nghẹn ngào hỏi:
– Bà ơi! Bà không thương cháu ạ?
Câu hỏi của con bé làm bà lặng người, một chút chua xót dâng lên trong tim. Bà vỗ về con bé:
– Sao cháu lại hỏi bà như vậy? Bà thương cháu, rất thương hai đứa.
– Thế sao bà lại bỏ về quê ạ? Có phải bà ghét Su, ghét Rốt nên bà bỏ vê quê không?
– Không… không phải thế.
– Bà ơi, bà đi rồi cháu sẽ nhớ bà lắm. Bà ở lại với chúng cháu đi ạ.
Hai hàng lệ tuôn trên làn da đã nhiều vết chân chim và đồi mồi của bà Huệ, bà cố kìm để không khóc lớn:
– Bà hay đánh mắng hai đứa, còn bắt phạt hai đứa suốt ngày, vậy mà hai đứa không ghét bà sao?
– Su không ghét bà. Su thương bà nhất.
Bỗng tiếng của Rốt cũng vang lên ở chiếc giường nhỏ bên cạnh:
– Rốt cũng thương bà nhất.
Thằng bé Rốt tụt xuống giường, chạy lại sà vào lòng bà Huệ. Có bà nào mà không thương cháu cơ chứ. Nhưng thật tình bà Huệ không thể ở thêm được nữa. Bà không muốn cuộc đời còn lại của mình sẽ sống như thế này mãi. Bà Huệ sợ hai cháu buồn nên thủ thỉ dỗ dành:
– Dù không có bà ở đây nữa thì hai đứa phải ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ có biết chưa? Bà sẽ vẫn theo dõi hai đứa học hành. Đợi được nghỉ thì về quê ở với bà. Ở dưới quê đất rộng sân rộng, tha hồ mà chạy nhảy, bà không bắt nhốt trong nhà như bây giờ nữa đâu.
Thằng bé Rốt nghe được về quê, được đi chơi thì mừng hớn hở:
– Thật hở bà? Về quê là cháu được đi chơi không phải học nữa có phải không ạ?
Bà Huệ đang khóc mà cũng phải bật cười với thằng cháu, bà dúi nhẹ ngón tay vào trán nó:
– Cha bố anh, nghe nói được nghỉ học là thích lắm. Phải chăm học, lớn lên thành người tài giỏi như bố như mẹ kìa. Có biết chưa. Như vậy mới là con ngoan.
Bà Huệ bắt hai đứa lên giường đi ngủ. Bà trở về phòng mình với trái tim nặng trĩu. Trong tâm trí bà vẫn văng vẳng câu hỏi của con bé Su:
– Bà không thương cháu sao ạ?
***
Bà Huệ cuối cùng cũng về đến nhà, đúng nghĩa là nhà trong lòng bà. Nói thế nào cho dễ hiểu nhỉ? Nhà của cha mẹ là nhà của các con, nhưng nhà của các con thì không phải là nhà của cha mẹ. Cảm giác của bà Huệ khi ở nhà của con trai là như vậy đấy. Trong lòng bà không thoải mái, luôn cảm giác mình chỉ là đang là khách, chỉ là tạm bợ ở cùng các con chứ chẳng phải là ở nhà của mình.
Không ki cóp từng đồng taxi như hồi còn trên thành phố. Bà Huệ thuê taxi chở mình về đến tận cổng. Anh taxi nhiệt tình còn đưa đồ đạc hành lý vào trong nhà giúp bà. Như người xưa có câu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, dù có ở nơi xa hoa lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi ra sao thì về nhà của mình vẫn thoải mái nhất.
Nhà mái ngói đơn sơ, tường sơn đã tróc hết, rêu xanh phủ cả mảnh sân gạch nung. Cây mít trước sân nhà xòe bóng mát rượt, bên dưới tán cây, một chiếc xích đu treo lửng lơ bằng dây thừng đã cũ mèm. Mọi thứ đều xưa cũ nhưng lại như một phương thuốc thần tiên vỗ về cõi lòng đầy rẫy những trăn trở, những khắc khoải của bà.
Căn nhà ba gian này đã có từ lâu lắm rồi, đã hơn hai mươi năm rồi. Căn nhà do chính tay chồng bà xây nên, hai vợ chồng ở chưa được bao lâu thì chồng bà gặp tai nạn rồi qua đời. Năm đó Tùng chỉ mới mười tuổi, bà trở thành quả phụ, một mình bươn chải nuôi nấng con trai nên người. Có thời gian khốn khó đến mức hai mẹ con không có gì ăn, phải ăn rau dại qua ngày. Cứ tưởng sẽ khổ mãi vậy, ai mà ngờ cũng có một ngày con trai của bà trưởng thành nên người, còn lập gia đình, mua được nhà nơi thành phố. Không ngờ quay qua quay lại mà đã hơn hai mươi năm, quãng thời gian đầy khó khăn ấy cuối cùng chỉ còn là kỷ niệm.
Nhà cửa để trống lâu ngày không người ở có mùi hiu quạnh. Lâu lâu vẫn có người họ hàng qua quét dọn để giữ nhà nên nhà cũng không đến mức bụi bặm. Bà Huệ xắn tay áo vào dọn một nhoắng là xong. Đi xe một đoạn đường xa, về đến nơi đã làm việc nhà ngay nhưng bà Huệ lại không hề thấy mệt. Đến chính ngọ thì nhà cửa đã tươm tất, trên bàn ăn có cơm, có rau luộc chấm tương. Tương đậu bà xin của nhà hàng xóm, rau muống thì bà ngắt bên bờ giậu, đơn giản mà ngon miệng.