Bà Không Thương Cháu Sao? - Chương 3
Chẳng mấy mà đến sinh nhật của bà Huệ, hai vợ chồng Tùng về sớm, định bụng sẽ cùng bà Huệ đi ra nhà hàng ăn tối mừng sinh nhật. Tuy nhiên bà Huệ lại nhất định không chịu đi:
– Không đi đâu cả. Tôi không cần các anh chị tốn tiền vì tôi. Nếu có muốn tổ chức thì nấu ăn ở nhà đi.
Không thuyết phục được mẹ nên hai vợ chồng đành phải ở nhà nấu ăn. Vì hôm nay là sinh nhật của mẹ nên hai vợ chồng nhất định không để cho bà vào bếp. Mai không giỏi nấu ăn, cô từ bé đã không phải nấu ăn cho gia đình, lớn lên đi học chỉ toàn ăn cơm tiệm, rồi đến khi lấy chồng cũng vì đi làm nên chẳng bao giờ vào bếp. Tùng cũng không khá hơn là mấy, tuy nhiên hai vợ chồng vẫn rất vui vẻ nấu nướng nhộn cả căn bếp.
Trong khi hai vợ chồng nấu ăn thì bà Huệ đi đón cháu tan trường. Hai đứa trẻ về đến nơi, mồ hôi nhễ nhại chạy vào ôm chân bố mẹ. Mai ôm hôn các con, nhìn thấy hai đứa ướt nhẹp mồ hôi thì thắc mắc:
– Sao mà đổ mồ hôi quá vậy các con? Leo cầu thang mệt quá hả?
Bé Su đáp: – Vâng ạ.
Bé Rốt đáp thêm: – Chúng con phải đi bộ một đoạn đường xa ơi là xa nên mệt ơi là mệt đó mẹ.
Bình thường hai vợ chồng về nhà thì bọn trẻ đều đã được bà Huệ tắm rửa sạch sẽ, ngoan ngoãn ngồi ăn cơm rồi vào phòng học bài nên không hề biết việc bà Huệ để hai đứa bé đi bộ về nhà. Mai nhìn Tùng, anh cũng không biết việc này. Tùng nháy mắt bảo vợ thôi bỏ qua đi nhưng Mai xót con, thấy con mình mệt bở hơi tai thì không cam lòng. Bà Huệ lúc này mới bước vào nhà, mồ hôi mẹ mồ hôi con đổ đầy mặt. Mai bước ra phía nhà khách cùng hai đứa trẻ rồi dịu giọng nói:
– Mẹ sao mẹ với bọn trẻ không đi taxi về? Con đã nói mẹ đừng có tiếc tiền, đừng để các cháu đi bộ về sẽ mệt rồi mà ạ.
Bà Huệ hơi sững người nhìn con dâu rồi đáp với giọng bực bội:
– Nhà cách trường có bao nhiêu đâu mà bắt xe. Cái thời gian đứng chờ xe chẳng bằng tôi với hai đứa nó đi bộ về cho xong. Hơn nữa có xa gì cho cam, học hành ngồi cả ngày, đi bộ một chút thì có chết ai. Cô nghĩ cô thương con, còn tôi thì không biết thương cháu tôi chắc.
Nói xong bà ngồi phịch xuống sô pha phòng khách, rót nước ra uống. Mai không chấp nhận nổi lý lẽ của mẹ chồng, cô định cãi thì Tùng đi ra ngăn lại. Anh đứng bên vợ và các con, nhìn mẹ mình với ánh mắt dịu dàng:
– Mẹ ơi không phải bọn con trách gì mẹ nhưng mà bọn trẻ đi học cả ngày rất mệt rồi vậy nên chúng con mới muốn bọn trẻ đi xe hơi về cho đỡ mệt. Hơn nữa bây giờ đường xá đông đúc, mẹ thì có tuổi rồi, ba bà cháu đi ngoài đường lỡ xảy ra chuyện gì thì biết làm thế nào.
Mặt bà Huệ đỏ bừng, bà gân cổ lên quát:
– A! Ý anh là tôi già rồi nên không trông coi cẩn thận được con cái cho nhà anh đó phỏng? Suốt bao nhiêu lâu nay tôi đã khiến con các anh các chị bị thương bao giờ chưa? Đi bộ từ đó đến đây thì có gì mà mệt. Trẻ con mấy nhà xung quanh đây chẳng phải đều đi bộ về hết đó sao? Các anh các chị cứ làm quá lên, rồi đến khi chúng nó ù lì thụ động lại phải chạy đi bác sĩ mà khám bây giờ đấy.
Mai không nhịn được nữa, cô nói với mẹ:
– Su và Rốt là con của con. Chúng con làm có tiền cũng là để hai đứa được sống cuộc sống bình an hạnh phúc. Chúng con muốn hai đứa nhỏ được sống sung sướng chứ không cần phải khổ sở như chúng con. Vì vậy dù có tốn tiền một chút chúng con cũng bằng lòng mẹ có hiểu không?
Bà Huệ đứng bật lên, mắt đỏ hoe, bà chỉ tay vào mặt con dâu và con trai:
– Ý các anh các chị là tôi không thương cháu, là tôi làm chúng nó khổ? Ý các anh các chị là tôi đã không lo lắng cho các anh các chị được sung sướng có phải không?
Tùng tiến đến dỗ dành mẹ:
– Nào mẹ! Chúng ta từ từ nói chuyện. Chúng con không có ý đó mà.
Bà Huệ đã khóc. Mai cũng ôm hai đứa trẻ, nước mắt lã chã rơi. Tùng đứng giữa vợ con và mẹ cũng cảm thấy cắn rứt vô cùng. Tùng nói với mẹ:
– Chúng con không có ý oán trách mẹ. Chúng con vô cùng hạnh phúc và biết ơn vì mẹ đã chăm sóc cho chúng con lớn lên thành người như hôm nay.
Bà Huệ nói tiếp:
– Tôi đã nuôi anh như thế nào? Còn vất vả gấp mấy lần bây giờ mà anh vẫn nên người, vẫn có công ăn việc làm vẫn lập gia đình hẳn hoi đấy thôi. Tôi đâu phải là một người mẹ tồi, các anh các chị còn phải dạy tôi cách làm mẹ sao?
Tùng vuốt lưng cho mẹ, dịu giọng nhất có thể:
– Con biết, con biết chứ. Mẹ là tuyệt nhất, mẹ dạy cho con rất nhiều điều, cũng giúp cho con trưởng thành nên người. Nhưng mà mẹ ạ, thời nào cũng có cái khổ của thời ấy. Bây giờ chúng ta không thể yêu cầu con cái phải chịu đựng khổ cực như chúng ta ngày xưa.
– Tôi cho chúng nó đi bộ cho khỏe người thì có gì là chịu khổ nào, anh chị chỉ được cái làm chuyện bé xé ra to thôi.