Bà Không Thương Cháu Sao? - Chương 10
Một hôm nọ, bà Huệ lại bị nhức đầu do trở trời, cả ngày không rời khỏi giường được. Ở trong nhà vắng vẻ chẳng có ai, muốn nhờ hàng xóm thì cũng phải đi ra ngoài lại ngại chân. Bà Huệ lúc này mới cảm thấy buồn, thấy nhớ con, nhớ cháu. Bà cố gắng trở dậy đun nước gừng ấm để uống, sau đó tự mình thoa dầu, tự mình xông lá cho đỡ mệt.
Đêm đó bà lên cơn sốt, trong cơn sốt bà không mơ ảo mà lại nhớ về chuyện đã vô tình quên đi. Vào một đêm nào đó cách đây đã lâu, hình như cũng là lúc bà bị ốm. Trong khi bà đang mê man sốt thì lần lượt con trai, con dâu rồi hai đứa cháu vào phòng sờ trán, thay khăn cho bà. Bà còn nhớ nụ hôn ấm nóng rơi trên má bà của bé Su. Trong gia đình con trai, bà là một thành viên của gia đình, không phải là người bảo hộ mà là người cùng dựng xây nên chữ gia đình.
Trong một gia đình, việc của mỗi người là cố gắng làm tốt nhất phận sự của mình chứ có mấy ai mang sự hy sinh, vất vả của mỗi thành viên ra mà cân đo đong đếm. Chính vì vậy con trai và con dâu đã vô tư để bà Huệ làm những công việc trong nhà, góp phần xây dựng gia đình. Họ không có lỗi gì, chỉ có một lỗi là quá vô tư mà thôi.
Sau hôm bị sốt tự dưng bà lại nhớ con nhớ cháu hơn lúc nào hết, chợt thấy việc đi ra đi vào có người nghe mình cằn nhằn cũng là một diễm phúc. Buổi chiều, bà dọn cơm ra thềm ngồi ăn, vừa ăn vừa ngắm đàn gà con đang quanh quẩn trong tấm lưới mắt cáo. Cảnh chiều quê tĩnh lặng nhưng cũng có phần hiu quạnh khiến bà nuốt không nổi cơm. Bỗng điện thoại đổ chuông, là số của bé Su gọi đến cho bà. Bà vừa vui vừa lo lắng bắt máy ngay:
– Chuyện gì thế cháu?
Bé Su nghẹn giọng nói:
– Bà nội ơi! Bà về với chúng cháu có được không ạ? Bố mẹ suốt ngày đón cháu về trễ, cháu buồn lắm. Cháu với em Rốt lúc nào cũng là người cuối cùng ra về…
Bao nhiêu đau đớn, day dứt đâm cả vào tim bà Huệ. Lúc này bà chỉ ước bản thân có thể thật nhanh trở về thành phố để mà ở bên cháu, chăm sóc cho cháu. Bà Huệ trấn an:
– Cháu đừng buồn. Bố mẹ bận nên mới thế. Cố gắng ở lại chờ bố mẹ đến đón, đừng có tự ý đi đâu đấy nhé!
– Thế bà có lên với chúng cháu không ạ? Bà lên với chúng cháu đi ạ. Chúng cháu hứa sẽ tự giác học bài, sẽ ngoan ngoãn nghe lời bà dạy. Chúng cháu sẽ ăn thật ngon những món bà nấu, không chê cơm của bà nữa đâu ạ.
Thằng Rốt giành điện thoại nói chen vào:
– Rốt chán cơm gà rán rồi, Rốt thích ăn cơm gà của bà nội thôi.
Bà Huệ bật cười, vậy mà nước mắt vô thức rơi ướt gò má lấm tấm đồi mồi. Bà nói chuyện với hai đứa trẻ mãi cho đến khi Tùng đến đón con.
Sau khi nói chuyện với hai đứa trẻ cuối cùng bà Huệ cũng quyết định quay về thành phố ở. Tuy nhiên khác với khi xưa, lần này hai vợ chồng Tùng đã đưa ra nhiều quy định hơn với bà Huệ.
Thứ nhất: Chúng con sẽ gửi tiền tiêu vặt cho mẹ mỗi tháng, đúng bằng với tiền mà chúng con định sẽ thuê giúp việc. Tiền đó để cho mẹ tiết kiệm tuổi già, để mẹ tiêu xài.
Thứ hai: Chúng con sẽ chịu trách nhiệm đi chợ. Mẹ sẽ giúp nấu ăn. Mẹ đưa đón các cháu đi học, chúng con chịu trách nhiệm kiểm tra bài vở cho các cháu.
Thứ ba: Ngày cuối tuần mẹ không phải làm bất cứ việc gì cả, việc nhà cứ để vợ chồng chúng con làm. Mẹ có thể đi chơi, đi du lịch một tháng một lần. Mẹ có thể về quê thăm nhà bất cứ lúc nào mẹ muốn.
Bà Huệ không hề phản đối lại còn rất tích cực thực hiện đúng những quy định mà con trai vạch ra. Bà tham gia hội người cao tuổi của tổ dân phố, cùng họ tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích. Vào những ngày cuối tuần thong dong, bà cuối cùng đã trở thành một trong những thành viên của đội nhảy dân vũ bên hồ Gươm.
Có lần bà cùng hội người cao tuổi đi du lịch, lúc xếp quần áo cho mẹ, Mai nhìn thấy bộ áo dài mới tinh treo trong tủ của mẹ thì hỏi:
– Mẹ ơi! Mẹ may chiếc này từ bao giờ thế? Sao con chưa thấy mẹ mặc bao giờ?
Bà Huệ đang dưỡng da ở bàn trang điểm liền đáp:
– Vải anh chị mua tặng tôi hồi sinh nhật đấy. Tôi may nó trước khi về quê, vì nó đẹp quá nên tiếc chưa dám mặc.
Mai xúc động ra mặt, hai mắt rưng rưng lệ. Vậy mà cô đã từng nghĩ mẹ chồng khó tính, mẹ chồng ghét mình. Thực ra bà Huệ tuy có đôi lần nói chuyện hơi khó nghe nhưng bà là người mẹ chồng tâm lý nhất trên đời này. Mai vừa không giỏi việc nhà, vừa không khéo nói năng thế nhưng mẹ chồng có bao giờ mắng cô hay chê bai cô không xứng làm dâu của bà đâu. Mẹ mắng là để dạy cô biết làm việc, mắng là để cho cô khéo léo hơn. Mai nên hạnh phúc vì còn có mẹ mắng.
Mai xếp áo dài vào trong vali cho mẹ:
– Lần này mẹ mặc nó đi nhé! Chứ đợi có dịp thì chẳng biết đến khi nào đâu mẹ ạ.
– Ừ! Vậy xếp vào đó cho tôi.
Như ai đó đã nói, đã là người một nhà thì phải có chút tranh cãi mới thành người một nhà. Sau thời gian xa nhau vừa đủ cuối cùng thì mỗi thành viên trong gia đình nhà bà Huệ cũng đã rút ra được rất nhiều bài học cho riêng mình.
…