Ăn mày cửa phật - bất hiếu - Chương 2
Bà sinh ra một cô con gái kháu khỉnh đáng yêu, với nước da trắng như tuyết, đôi môi đỏ thắm và gò má lúc nào cũng ửng hồng. Đận ấy làng trên, xóm dưới đều lời ra tiếng vào, rồi thì mấy bà có ông chồng hay đi đánh dậm ban đêm, thi nhau lôi ra tra hỏi xem có phải của rơi của mấy ông không. Làm gì có ông nào ngu mà nhận, nhận để cho mấy con hổ cái nó xé xác, ăn thịt nhai xương. Thế là bà Thoa ngày ngày phải chịu cảnh khinh bỉ, dè bỉu của dân làng.
Mẹ con bà Thoa sống như hai cái bóng mờ không ai biết đến. Người ta chỉ thấy ngày ngày mẹ con bà địu nhau đi khắp các nẻo đường nhặt chai, lọ, giấy báo. Nói chung là phế liệu cái gì bán được bà cũng nhặt về bán kiếm miếng cơm đắp đổi qua ngày. Cái thân hình còm cõi, còng rạp, đến đi lại còn khó nhọc giờ đây phải địu theo một đứa trẻ và khoác thêm cái bao lớn để đựng phế liệu.
Mỗi lần bà cúi xuống là đôi chân bà lại run lên vì sức nặng trên vai. Nhiều người cũng cảm thông cho số phận hẩm hiu của bà mà cũng tìm cách giúp đỡ, cấy lúa, phơi thóc, nhặt cỏ hễ có việc gì gọi là Bà Thoa đều vui vẻ nhận lời rồi mỗi khi lấy tiền công bà cũng chỉ lấy đủ, cho thêm bà tuyệt không nhận, bà bảo.
– Tôi còn trẻ, còn khỏe vẫn có thể kiếm ăn được mà, cảm ơn ông, bà nhưng khi nào tôi cần tôi sẽ xin ạ.
Vậy nên người ta càng thương và phục cái nghị lực của bà. Con bé mỹ thì ngoan lắm, giường như nó biết mẹ nó mệnh khổ nên lúc nào cũng ngoan ngoãn ở trên vai mẹ, chẳng quấy khóc gì. Đã vậy nó lại chẳng giống mẹ nó tí nào, mặc dù ngày nào cũng phơi nắng đi cùng mẹ khắp các nẻo đường, xó chợ mà nước da nó vẫn cứ trắng hồng, đôi môi đỏ thắm lúc nào cũng nở nụ cười. Bà Hoa lấy đấy là niềm vui và động lực, bà cho rằng con bé là của trời thương bà mà ban cho.
Con bé lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã lên cấp hai. Càng lớn lại càng xinh xắn nhưng tính nết lại trái ngược lại với vẻ bề ngoài.
Nó bắt đầu chê bai tất cả mọi thứ, chê mẹ nó xấu không bằng mẹ người ta, chê cái nhà chật chột bẩn thỉu đầy chai, lọ quanh nhà. Nó bắt đầu đòi hỏi rồi theo đám bạn mà ăn chơi đua đòi. Chẳng quan tâm mẹ nó kiếm tiền ra sao, cực khổ như thế nào.
Bà Thoa buồn lắm, nhưng có mỗi một đứa con gái sớm tối quây quần bên nhau, vả lại bà nghĩ con con gái bà lớn rồi, cũng cần có thứ này, thứ kia cho bằng bạn, bằng bè.
Bà lao vào làm việc như con thiêu thân, miễn là có tiền bà đều làm. Kể cả việc hốt chuồng hôi |nhà vệ sinh đi xong rắc tro bếp lên| mang ra ruộng bón lúa.
Mỗi lần như thế con Mỹ lại càng khó chịu cằn nhằn, bịt mũi tránh xa mẹ. Nó đâu quan tâm tiền mẹ nó cho hằng ngày để nó cùng đám bạn ăn uống, mua sắm từ đấy mà ra.
Mặc dù nó ăn chơi nhưng vẫn học giỏi lắm, học hết cấp 3 nó thi đậu vào trường khoa học xã hội và nhân văn. Kể từ ấy nó chẳng mấy khi về nhà, mỗi lần về là chỉ hỏi tiền rồi đi luôn, chẳng hề ăn với mẹ bữa cơm, chẳng nhận ra mẹ nó đã gầy còn mỗi bộ khung xương, đôi mắt mờ đục đã bắt đầu kéo màng, che kín làm bà chẳng còn nhìn rõ nữa. Nhưng vẫn cố lết thân già đi bòn nhặt từng đồng bạc lẻ cho nó ăn học.
Con Mỹ học trên ấy quen được một anh đại gia hơn nó đến gần chục tuổi. Kể từ ấy nó không về lấy vài đồng bạc lẻ, và cũng chẳng thèm về thăm mẹ kể cả tết nó cũng chẳng gọi về hỏi thăm lấy một câu gì.
Ban đầu bà Thoa sốt ruột lắm, bà tìm cách lên thăm con nhưng đến nơi lại bị nó tìm cách đuổi về, đưa tiền cho nó, nó còn cho thêm bà để bà về. Còn không quên dặn không cần lên tìm, có gì gọi điện lên là được, không được lên tìm nó nữa.
Đận mấy năm trước nó lấy chồng bà Thoa mừng lắm, đang thu sếp xem có gì bán tất, Kể cả con chó già bà cũng bán luôn. Bà gom hết số tiền mình có mua được hai chỉ vàng, toan mang lên cho con làm của hồi môn. Thế nhưng nó đã gọi về bảo bà đừng lên, nó nói:
– Tôi bảo với nhà chồng tôi là trẻ mồ côi rồi, bà không cần phải lên đâu. Bà mà lên họ nhìn thấy bà rồi sau này họ khinh thường tôi thì sao. Từ giờ bà không được tự ý lên tìm tôi đâu, bao nhiêu năm tôi sống cực khổ với bà. Giờ mới được trời thương bà đừng có làm hỏng chuyện tốt của tôi.
Bà Thoa nghe xong thì suy sụp lắm, bà nằm co quắp trên cái giường bị mọt ăn gần hết một chân, phải kê bằng mấy viên gạch vỡ mà người ta đáp đi. Bà cứ nằm đấy mà nước mắt không ngừng rơi đến hai hôm liền, nhưng nghĩ lại con mình từ giờ được sống sung sướng không phải lo ăn, lo mặc thì bà lại vực lại tinh thần mà trở lại cuộc sống hằng ngày. Ấy chứ lòng mẹ thương con luôn là như vậy, nó còn rộng lớn, bao dung hơn cả biển trời.
Thoát cái đã ba năm trôi qua, bà Thoa vẫn lầm lũi cô độc trong cái kiếp người hẩm hiu. Từ đận con Mỹ lấy chồng đến giờ con Mỹ chỉ gọi về cho bà được dăm ba cuộc gọi vội vã, gửi cho bà được vài đồng bạc lẻ. Chứ tuyệt nhiên không về ngó ngàng xem bà sống chết ra sao. Bà Thoa cũng quen dần với cảnh cô độc một mình, bây giờ hay sau này đối với bà cũng chỉ thế mà thôi.
Bà đặt cái làn rách đựng mấy thứ đồ dùng để thắp hương xuống hiên, trên cái nền si măng cũ nát, đầy những vết nẻ, có chỗ còn thủng một lỗ to làm cát bên dưới văng lên xung quanh. Con mèo nghe tiếng động đi ra xem, thấy là chủ nó kêu meo lên một tiếng rồi đi đến chân bà cọ cọ thân mình mà nũng nịu muốn được bà vuốt ve.
Bà Thoa cười hiền kê chiếc dép lên hiên ngồi xuống, như chỉ chờ có thế con mèo tam thể được bà nuôi mấy năm nay trèo luôn lên đùi bà nằm mà kêu lên mấy tiếng như muốn nói con nhớ bà.